Khó từ viên phấn trắng
Đường lên Huổi Chát ngoằn nghèo bò dọc
theo núi. Con đường mới vỡ chỉ rộng độ 3 gang tay, bé đến mức những
chiếc xe máy chỉ có thể tiến chứ không thể quay ngang để lùi, nhiều đoạn
đã thụt hẳn xuống khe sâu hun hút. Đương mùa trái gió trở giời, lúa
nương cây trổ cây trụi. Đường núi thăm thẳm thi thoảng lại ngoi lên một
khuôn mặt trẻ con cháy nắng lấm lem bùn đất. Những đứa nhỏ 5-6 tuổi đã
phải chui rừng cắt suối bói măng mò cá kiếm cơm. Gùi có khi còn to hơn
cả người.
Bấy giờ đã giữa trưa, bữa cơm nhiều
nhà chỉ có đôi bát nước suối, mấy chiếc măng to bằng quả chuối, với đĩa
muối ớt. Dường như cơm có vị cay, vị mặn. Đám trẻ vừa đi nương về áo
quần xốc xếch, mặt mũi nhem nhuốc túm tụm sau lách liếp đầu bản giương
cặp mắt trong veo như nước suối tò mò nhìn người lạ. Cô giáo Đinh Thị
Vin nói bằng tiếng Mông, vẫy chúng xuống lớp.
“Chuồng học” ở Huổi Chát |
Lớp học là một căn chòi lá rộng độ
bằng 4 chiếc chiếu đôi xiêu vẹo, vách tre vọc vạch, hở hoác. Bên trong
bàn ghế gãy nát, đầy mạng nhện, ngổn ngang phân heo. Không biết đã từ
bao giờ, trường học của lũ trẻ đã trở thành nơi trú ngụ cho một cặp heo
mán với 4 heo con.
Có người trong số chúng tôi gọi đùa,
giọng không ít cay đắng: “Đây là chuồng học chứ đâu phải trường học”. Bế
theo một học trò người Mông, cô giáo Vin loay hoay tìm chỗ đặt chân.
Lớp học vùng cao khó. Khó từ chiếc bảng đen, viên phấn trắng. Khó đến cả
cái sự “bắc cầu Kiều”.
7 năm trước, cô giáo Đinh Thị Vin từ
Phú Thọ rừng cọ đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện. 6 năm
trước, cô mang con trai 3 tuổi lên núi, để sau đó chỉ 1 năm phải vội vã
đưa con về xuôi vì đứa trẻ bấy giờ chỉ học tiếng người Mông. 5 năm
trước, chồng cô mì tôm cá khô tấp tểnh lên thăm vợ, lần đầu và cũng là
lần cuối, để chỉ nói một câu: Về.
4 năm trước, cô suýt bị dân bản bắt
đền khi giữa đêm dám đem đứa trò nhỏ bấy giờ ốm thập tử nhất sinh vượt
“ngang sông Đà”. 3 năm trước, cô khóc cả đêm khi đứa con đứt ruột đẻ ra
giờ không còn nhận ra giọng mẹ. Gia đình là thứ gì đó mơ hồ. Có khi chỉ
là mười ngày phép mỗi dịp cuối năm và những đồng tiền chắt bóp tháng
tháng gửi về quê xa.
Và giờ, cô giáo người Kinh đã trở
thành đứa con của Huổi Chát, của Nậm Manh, nói tiếng Mông để dạy tiếng
phổ thông, ăn mèn mén, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị là một
ngày nào đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.
Cái chữ xa xỉ và rau cháo ngày thường
Ở Huổi Chát, ở Mường Tè, ở vùng cao,
việc đầu tiên của những cô giáo trước ngày khai trường, không phải là
nghĩ ra các khoản thu, nghĩ ra cách thu tiền mà là “dân vận” để cha mẹ
học sinh đồng ý đưa con đến trường. Không thể có giáo dục nếu như không
có những ngôi trường. Nhưng cũng không thể có những ngôi trường nếu như
không có học trò. Chỉ buồn là giáo dục ở vùng cao không thể tách rời
chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ.
Trưởng bản Lầu Giống Sì khoát khoát
cánh tay quanh tứ bề rừng nham nhở xung quanh. Đấy là ông đang giải
thích chuyện miếng cơm. 100% hộ sống dưới mức nghèo đói. Cả bản, không
một mét vuông ruộng nước, sống nhờ vào những nương lúa. Lúa nương trông
cả vào ông giời. Năm nào mưa thuận gió hòa, Nậm Chát có gạo, có ngô ăn
đủ trong nửa năm. Nửa năm còn lại thì sao? Thì trông cả vào rừng. Có
nghĩa, đến ngay cả chuyện căng cái bụng cũng trông vào ông giời, đủ ăn
cũng đã là một niềm mơ ước khi Nậm Chát đói quanh năm chứ không chỉ là
mùa giáp hạt.
Trong nhà người Mông Nậm Chát, những
chiếc lông gà dán trên cây cột thiêng giờ bạc thếch, xác xơ. Lâu lắm rồi
người Huổi Chát không có hội, không làm gà, thậm chí không cả xuống chợ
Nậm Hàng phía bờ hữu sông Đà. Cuộc sống là chuỗi những mưu sinh không
buồn, chẳng vui, không quá khứ, không tương lai. Miếng cơm manh áo thúc
vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi khi chỉ là bát cơm có
miếng thịt. Và cái chữ, vì thế cũng là thứ gì đó xa xỉ, thậm chí xa lạ.
Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư bách khoa và Gia sư toán và gia sư tiếng anh Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét