Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi về xã
Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) trong một buổi chiều trời sắp đổ mưa, chứng kiến
cảnh người dân hối hả đi qua cầu Cây Điệp chông chênh khiến chúng
tôi không khỏi lo lắng.
Nhiều người dân sống ở gần cầu Cây
Điệp cho biết, cây cầu này đã có hàng chục năm nay, cầu bắc qua sông
KH6, nối ấp 3 và ấp 8 của xã Thới Hưng, phục vụ việc đi lại của gần
1.000 hộ dân ấp 3, ấp 8 do đây là một trong những tuyến đường chính đi
về trung tâm xã, trung tâm huyện. Bên cạnh đó, cây cầu cũng là đường đi
về của hàng trăm em học sinh (HS) học tại điểm 3 Trường tiểu học Thới
Hưng 2 và Trường Mẫu giáo Thới Hưng.
Do
đã xuống cấp nghiêm trọng nên tạm thời xã vận động người dân góp cây
sửa lại cả tháng nay nên nhìn từ xa cầu Cây Điệp trông có vẻ chắc
chắn...(Ảnh: Huỳnh Hải)
Trò chuyện với PV Dân trí,
ông Trần Văn Còn (60 tuổi, nhà ở gần cầu) kể, hàng chục năm trước đây
đường đi lại rất khó khăn, chỉ có duy nhất một tuyến đường về trung tâm
huyện nên cầu Cây Điệp là công trình phục vụ chính việc đi lại của dân.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, do kinh
phí hạn hẹp nên chính quyền địa phương chỉ có thể vận động người dân bắc
tạm bằng cây ván gỗ. Do đó, qua năm tháng mưa gió và lưu lượng xe cộ
nhiều nên cây cầu thường xuyên bị hư hại khiến việc đi lại gặp nhiều khó
khăn. “Ước mơ có cầu mới chắc chắn của hàng ngàn người dân nơi đây đã
ấp ủ từ lâu nhưng đến giờ vẫn chỉ là mơ ước mà thôi”, ông Còn bộc bạch.
Anh Trần Tấn Nhựt - Bí thư xã Đoàn
Thới Hưng cho biết thêm, ông Còn đã chứng kiến hàng chục cảnh người dân
té xuống sông khi đi qua cầu những khi cầu xuống cấp. Không chỉ thế, có
nhiều em HS đi qua cũng bị té lúc trời mưa trơn trợt. Ông Còn đã nhiều
lần phóng xuống sông để cứu các em.
...nhưng lại gần xem thấy cây cầu được lắp ghép từng đoạn rất mong manh. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Ngày chúng tôi đến khảo sát, cầu Cây
Điệp đã được sửa chữa lại tạm thời vì đã quá xuống cấp, một phần vì sự
an toàn của người qua lại và cũng để phục vụ năm học mới sắp tới. Do đó,
nhìn từ xa trông cây cầu có vẻ chắn chắn nhưng lại gần quan sát hết
toàn bộ cây cầu thì vẫn còn hết sức sơ sài, mỏng yếu.
Cầu Cây Điệp dài gần 40m, rộng khoảng
1m; mặt cầu, trụ và những thanh đà chủ yếu làm bằng ván lắp ghép. Các
trụ chính, đoạn dưới làm bằng trụ ximăng được lấy từ cột điện hỏng, đoạn
trên nhiều miếng ván gỗ cũ, được nối với nhau bằng dây chì hoặc ốc vít
rất mong manh; lan can cầu chỉ là những sợi dây chì nhỏ căng hai bên chủ
yếu để làm “kiểu” chứ không có tác dụng gì.
Khi thấy có PV cùng chính quyền địa
phương đến khảo sát, nhiều người dân gần đó tụ tập đến và cùng cho biết ý
kiến là đều tỏ ra rất lo sợ khi đi qua cầu. Nhóm người dân ở ấp 8 nhìn
nhận, lưu lượng xe qua lại rất đông nhưng những mối lắp ghép lại quá yếu
nên ai cũng hồi hộp mỗi khi chạy xe đi qua. “Chúng tôi cứ lo mấy cái ốc
vít bị sứt, mấy sợi dây chì bị đứt lúc nào không biết thì hậu quả sẽ
khó lường”, một người dân ấp 8 bày tỏ nỗi lo lắng của mình.
Để giữ vững các trụ cầu, nhiều mảnh ván xiên ngang dọc được chấp nối lại nhưng rất sơ sài, mỏng yếu...
...và lan can cầu là những sợi dây chì nhỏ tí chủ yếu để làm kiểu chứ không có tác dụng gì. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trong khi đó, phía bên ấp 8 có hai
trường học với gần 250 em HS phải thường xuyên đi đến trường hàng ngày.
Các em HS cho biết, mỗi khi đi xe đạp, thậm chí đi bộ những lúc trời mưa
trơn trợt, cây cầu cao lại không có lan can nên các em lo sợ bị té
xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo cô Mai Thị Lan - Hiệu trưởng
Trường TH Thới Hưng 2, cầu Cây Điệp là một trong những cây cầu chính
phục vụ việc đi lại của các em HS thuộc ấp 3, ấp 8 ở xã. Riêng điểm 3
của Trường tiểu học Thới Hưng 2 và trường Mẫu giáo nằm bên ấp 8 đã có
gần 250 em thường xuyên qua lại để đến trường hàng ngày.
Cô Lan cho hay, vào mùa mưa, cầu hư
hại, chông chênh, trơn trợt khiến các em HS đi lại rất khó khăn. Chính
vì thế, nhiều em đã nghỉ học vì sợ không dám đi qua cầu. Do đó, vào mùa
mưa, nhà trường đã phải vận động phụ huynh đưa con em đến trường bằng
xuồng ghe. “Dù có cây cầu nhưng cũng như không. Biết rằng đi xuồng rất
bất tiện và tốn kém nhưng chúng tôi đành chấp nhận vì không thể để các
em nghỉ học do sợ qua cầu, cũng vì tương lai của các em mà thôi”, cô Lan
chia sẻ.
Cũng theo cô Lan, nếu cầu Cây Điệp
được xây mới chắc chắn thì không chỉ giúp các em HS an tâm đến trường mà
sẽ còn góp phần giữ sĩ số lớp học của các trường ở địa phương trong năm
học mới. “Đây là sẽ là niềm vui lớn nhất của thầy trò chúng tôi”, cô
Hiệu trưởng nói.
Có
cầu bê tông mới vững chắc là ước mong của chính quyền địa phương, người
dân, giáo viên và hàng em học sinh ở xã Thới Hưng từ nhiều năm nay.
(Ảnh: Huỳnh Hải)
Trao đổi với PV Dân trí,
ông Võ Trung Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: "Cầu Cây
Điệp ngoài phục vụ hàng trăm em HS đến trường, còn phục vụ sinh hoạt đi
lại của hàng ngàn người dân. Nhiều năm qua chính quyền địa phương cũng
hiểu những nỗi lo lắng của người dân nhưng vẫn không biết phải làm thế
nào. Do địa phương còn khó khăn, không có kinh phí để xây cầu mới nên
chỉ làm tạm thời bằng ván gỗ, hư tới đâu lại vận động dân sửa tới đó".
Theo ông Cảnh, qua tính toán của ngành
chức năng thì chi phí để xây cầu mới bằng bêtông vững chắc chỉ khoảng
trên dưới 150 triệu đồng, nhưng với một xã nghèo thì con số này là quá
lớn. “Vì thế, chúng tôi mong muốn các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm
cùng chia sẻ, hỗ trợ địa phương làm một cây cầu mới để phục vụ bà con đi
lại, phục vụ các em học sinh an toàn đến trường. Đây là ước mong lớn
nhất của chính quyền địa phương, người dân, giáo viên cũng như của hàng
trăm em học sinh từ nhiều năm qua”, ông phó chủ tịch xã bày tỏ.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, lãnh đạo
chính quyền xã Thới Hưng cho hay, với chi phí trên dưới 150 triệu đồng,
UBND xã mong muốn các mạnh thường quân có thể hỗ trợ toàn bộ kinh phí
hoặc có thể hỗ trợ 70- 80%, còn lại lãnh đạo xã sẽ vận động bà con địa
phương đóng góp thêm để sớm xây cây cầu mới thay cho cây cầu cũ thường
xuyên hư hỏng này.
Huỳnh Hải