Trào lưu xài điện thoại hạng sang đang thống trị giới
trẻ bởi những công nghệ cũng như tiện ích từ những chiếc điện thoại này.
Song song với những công nghệ hiện đại ấy thì giá cả cũng ở mức "tiền
nào của nấy". Thế nhưng, những sinh viên từ các tỉnh vào thành phố học
lại đua đòi, chạy theo bạn bè bằng mọi giá phải sở hữu được những "chú
dế" hạng sang này. Nó dường như đã trở thành "căn bệnh tự mãn" lây lan
không kiềm hãm được.
Sinh viên không nên lao vào các cuộc đua mang nặng tính phù phiếm.
Chỉ để khẳng định... "đẳng cấp"
Không như những công tử nhà giàu, P. từ Bình Thuận vào
thành phố Hồ Chí Minh học, nhà cũng không khá giả gì nên mới vào đại
học ba mẹ chỉ mua cho chiếc điện thoại Nokia "tòm tèm" để tiện liên lạc.
Mới được vài tuần, P. đã chán ngắt với chiếc điện thoại cũ kỹ ấy, nó
vừa quê mùa lại chẳng có chút "xì tai" (style- phong cách) nào cả, chỉ
có mỗi việc nhắn tin và gọi điện, ngoài ra không có chức năng gì nữa.
Bạn bè P. toàn xài điện thoại sang, những chức năng như nghe nhạc, xem
phim, ghi âm hay lướt web đều có đủ. P. luôn mong ước được sở hữu một
chiếc điện thoại có đầy đủ các chức năng và tiện ích như thế, P. lên kế
hoạch tỉ mỉ để chinh phục cho được một chiếc "dế yêu".
Chỉ mấy tháng sau, P. đã sở hữu hẳn một chiếc iPhone 4
chính hãng, trị giá đến hơn chục triệu đồng. Gặng hỏi mãi P. mới thổ lộ
là phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng mới có thể mua được "dế" này.
"Sáng đi học, chiều em đi làm thêm, có lúc phải tăng ca tới khuya mới
về, mỗi tháng kiếm được hơn 2 triệu. Tất cả số tiền ấy cộng thêm tiền
tiết kiệm chi tiêu mỗi tháng nhà gửi lên, em để dành mua điện thoại.
Nhưng cũng phải mấy tháng gom góp em mới có đủ tiền, thời đại công nghệ, không có chiếc điện thoại cho ra hồn thì lạc hậu lắm", P. chia sẻ.
Khẳng định đẳng cấp chơi dế đỉnh, bạn Nguyễn V. H. sở
hữu chiếc điện thoại Nokia N9 có giá gần 9 triệu đồng, H. cho biết phải
vất vả lắm mới có được một "em dế" vừa ý. H. sinh ra tại Phú Yên, gia
đình làm nghề đánh bắt hải sản nên cũng không đến nỗi khó khăn. Vào Sài
Gòn học, H. được ba mẹ mua cho chiếc điện thoại gần 2 triệu, mới sử dụng
được một thời gian H. đã chán và muốn đổi chiếc khác.
H ngượng ngùng thổ lộ: "Em cũng chẳng biết kiếm đâu ra
tiền để đổi "dế", lúc đầu cũng đi làm thêm một thời gian nhưng số tiền
ít ỏi ấy không đủ để sắm một chiếc điện thoại vừa ý. Hết cách, em đành
gọi điện về nhà thông báo gửi tiền vào để đóng học phí, thế là em có đủ
tiền sắm một chiếc "dế yêu" đúng theo sở nguyện của mình. Công nghệ ngày
càng phát triển kéo theo nhiều tiện ích và ứng dụng mới, nên phải cập
nhật thường xuyên, hơn nữa để khẳng định phong cách "dế đỉnh" nên phải
đổi điện thoại anh ạ".
Nghe nhạc, chụp hình, ghi âm, truy cập Internet, nói
chuyện qua màn hình... Chiếc điện thoại nhỏ xíu ngày càng hấp dẫn vì
chức năng ngày càng nhiều và mẫu mã được thay đổi liên tục, nên dù đắt
tiền đến đâu nhiều bạn sinh viên vẫn phải mua cho bằng được. Không chỉ
vì những tiện ích mang lại từ chiếc điện thoại mà nó còn là "bộ mặt" cho
người sử dụng nó, "dế yêu" cũng giúp chủ nhân của mình "nở mày nở mặt"
khi tiếp xúc hoặc nói chuyện với người khác phái. Độ sành điệu, cập nhật
và sở hữu những chiếc điện thoại thời thượng cũng là cả một "nghệ
thuật" gian nan và vất vả, điện thoại càng xịn, càng mắc thì đẳng cấp
càng cao.
Nên điều chỉnh lại lối sống
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện trường hợp một bạn trẻ vì ba mẹ không cho tiền mua điện thoại nên đã lên mạng chửi bới thậm tệ phụ huynh của mình khiến dư luận không ngớt xôn xao trong mấy tuần qua.
Lý giải những hiện tượng trên, thạc sĩ tâm lý Huỳnh
Anh Bình cho biết, việc đua nhau xài điện thoại hạng sang, không chỉ với
các bạn sinh viên nó xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau: "Thứ nhất là
do chính sự "ngộ nhận" của các bạn, chủ yếu xuất phát từ sự nhận diện
sai lệch về giá trị của con người thông qua cái vỏ bên ngoài hơn là khả
năng thật sự của mình, đó chính là học tập và rèn luyện. Thứ hai là một
phần do gia đình, xã hội bên ngoài, nhà trường, cha mẹ phần nào thiếu
định hướng cho các bạn giá trị sống, quan điểm sống thật sự là phải biết
chấp nhận và trân trọng những gì mình đang có, phải biết suy nghĩ và
nhìn nhận một người trẻ thành đạt không chỉ đơn thuần là những chiếc
điện thoại, những chiếc xe máy đắt tiền mà chính yếu vẫn là vẻ đẹp tâm
hồn, là tài năng thật sự trong học tập và rèn luyện khi còn ngồi trên
ghế giảng đường.
Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình.
Hơn nữa, đó còn là vấn đề, là quan điểm về đồng tiền
của các bạn đang còn nhiều điều phải nói, các bạn trẻ vẫn còn chưa thật
sự biết được sự khó khăn, cực khổ khi kiếm tiền, các bạn vẫn chưa trân
trọng, nâng niu và sử dụng một cách khoa học chính đồng tiền mình đang
có. Các bạn vẫn chưa một lần tự đi làm gia sư, đi phục vụ bàn, đi phát
tờ rơi... để kiếm thêm thu nhập phụ cho gia đình thì việc các bạn vung
tiền vào những việc này xem như là vô bổ".
"Các bạn trẻ cần điều chỉnh lối sống ngay từ bây giờ,
hãy biết trân trọng hơn những gì mình đang có, hãy chấp nhận và tìm kiếm
những giá trị cơ bản chính bên trong con người, chứ không phải là những
yếu tố bên ngoài. Phải dấn thân vào chính công việc của bố mẹ mình,
những người thân, và hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh những sinh viên khó
khăn phải tự làm thêm khó nhọc để luôn có đủ tiền tự nuôi mình, tự trang
trải việc học thì bạn sẽ thấy mình sử dụng đồng tiền vào những chiếc
điện thoại đắt tiền là hợp lý hay không!
Hãy một lần yêu quý lao động, hãy làm việc và trân
trọng nó, giúp đỡ những cụ già đơn chiếc, những trẻ em đường phố, người
khuyết tật... bạn sẽ cảm nhận ngay rằng con người sống với nhau là tâm
hồn chứ không chỉ có vật chất. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hãy suy nghĩ
trước những đòi hỏi không cần thiết khi các bạn ra "điều kiện", để qua
đó cho các bạn có cách nhìn thật chuẩn về giá trị thật sự của đồng tiền
khi sử dụng nó", thạc sĩ Bình chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét