Nguy hiểm rình rập học sinh tan học tối
Ngay
trong những ngày đầu tiên của việc thực hiện đổi giờ học, Sở GD&ĐT
Hà Nội đã có các đoàn đi kiểm tra thực tế ở các trường học. Ông Nguyễn
Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hầu hết các
trường đều nêu những khó khăn nhất định, cha mẹ học sinh cũng có ý kiến
với những mức độ khác nhau. Đó là việc giao giữa hai ca sáng và chiều
của khối THCS quá gấp gáp, học sinh THPT học về quá muộn. Tiết học cuối
buổi sáng của cấp THCS và cuối giờ chiều của THPT, học sinh thường đói
bụng, khả năng tiếp thu kém, thiếu tập trung hơn.
Rồi
việc học sinh các trường THPT về muộn thường phải đi xa, nhiều gia đình
không yên tâm về an ninh cho các em, nhất là các trường ở vùng ngoại
thành như Thượng Cát (Từ Liêm), Ngọc Hồi, Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì)...
Các em gái phải tự mình đạp xe qua khu vực đường đồng vắng vẻ, qua nghĩa
trang Văn Điển lúc 7h30-8h tối trong mùa đông rét mướt.
Không chỉ bố mẹ mà cả các thầy cô cũng đều lo lắng cho các em khi đi học quá sớm và tan trường về quá muộn.
|
Còn
Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, GS Văn Như Cương thì
xót xa: “20 giờ ngày 2/2, tôi đi dọc đường Hà Nội vẫn thấy có rất nhiều
học sinh đang lóc cóc, hối hả đạp xe về nhà. Học sinh thẫn thờ chờ bố mẹ
đến đón. Thấy vậy mà thương, mà lo lắng, mà buồn… và thấy sao học sinh
khổ thế! 19 giờ học sinh mới ở trường về, 20 giờ 30 phút mới tắm giặt và
ăn cơm tối xong, 21 giờ mới được ngồi vào bàn học.”
Lo
lắng cho con cái tự đi xe đạp về mỗi tối tan học là tâm lý chung của
nhiều vị phụ huynh. Rất nhiều gia đình đã chọn phương án đi xe đạp hoặc
xe đạp điện thay xe buýt bởi đi học sớm thì đường vắng, không sợ tắc
đường hay bị lỡ chuyến bởi xe buýt bỏ bến. Trong khi đó, nhiều gia đình
có điều kiện hơn thì tìm thuê xe ôm để đưa đón con thay vì để các em chờ
đợi ở cổng trường trong điều kiện trời tối.
“Không lẽ các cô giáo không có gia đình”
Trong
khi chờ phụ huynh đến đón con ở trường tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy), một
cô giáo than thở: “Bố mẹ có con thì các cô giáo cũng có con chứ.” Với
khung giờ làm việc như thế này, cuộc sống gia đình các thầy cô giáo đã
bị đảo lộn rất nhiều.
GS
Văn Như Cương thì lo lắng: “Khung giờ mới cũng “hành” giáo viên. Bởi lẽ,
ngoài thời gian đứng lớp, giáo viên còn con cái, nhà cửa. Với quỹ thời
gian eo hẹp như vậy, giáo viên còn đâu thời gian để soạn bài, để nghiên
cứu, tìm tòi, sang tạo trong từng bài giảng cho học sinh?...”,
Còn
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn khi giáo viên ngoài nhiệm
vụ nhà giáo thì họ cũng là phụ huynh. Các nữ giáo viên phải thực hiện
thiên chức làm vợ, làm mẹ chăm lo cho con. Việc tan làm quá muộn phần
nào gây xáo trộn cuộc sống của họ.
Bất ổn từ môi trường ngoài học đường
Việc
điều chỉnh khung giờ học mới, không chỉ gây thay đổi về nhịp sống sinh
học mà cũng có thể còn ẩn chứa những điều chưa thật hợp lý.
Chị
Hoàng Quỳnh Anh, có con học trường THPT Việt Đức cho biết, giờ học ca
chiều bắt đầu từ 14h30, trong quãng thời gian hơn 2 tiếng chờ vào học,
chắc chắn nhiều em sẽ không chọn giải pháp ngủ trưa mà lang thang đường
phố, hay chơi game hoặc tụ tập bạn bè là điều khó tránh khỏi. Và câu hỏi
nhiều phụ huynh đặt ra là: Ai sẽ quản lý các cháu.
Còn
cô Kim Anh - phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ, cái
khó của trường dân lập là khi tan học việc học sinh nam và nữ ở lứa tuổi
mới lớn được rong chơi tự do trong trường mà giáo viên thì lại không
thể giám sát hết, chắc chắn sẽ ẩn chứa những chuyện không hay.
Chị
Hồng Anh, có con học trường Đại Đoàn Kết cho biết, chị thực sự lo lắng
với khung giờ học mới: Cháu là con gái, nhà thì ở xa trường, với giờ tan
học 19h như vậy, gia đình tôi phải để cháu đi xe đạp dù rất lo lắng cho
con trên đường từ trường về nhà.”
Bên
cạnh đó, nắm bắt tâm lý học sinh học tối sẽ đói, chỉ qua ba ngày đổi
giờ học, các hàng ăn nhanh như bánh mỳ thịt nguội, bánh bao, thịt xiên
nướng, sữa đậu nành... bắt đầu bám xung quanh các trường học để phục vụ
học sinh ăn uống khiến nhiều trường quan ngại cho sức khoẻ của học sinh.
Đáp ứng nhu cầu của học sinh, hàng quán mọc lên nhanh chóng ở các cổng trường phục vụ thượng đế.
Chồng chéo lịch học thêm
Khi
khung giờ học mới được ban hành, nhiều người đã đồng tình vì cho rằng
sẽ giảm được tình trạng học thêm. Tuy nhiên, thực tế thì sau ba ngày đổi
giờ học, lịch học thêm cũng được xê dịch cho phù hợp. Nhiều cơ sở dạy
thêm, ngoại khoá và thậm chí cả giáo viên một số trường đã đổi giờ học
thêm lên buổi sáng nếu học sinh học ca chiều. Một số phụ huynh chọn cách
thuê gia sư tới nhà để con giảm thời gian chạy sô học thêm.
Chị
Hoàng Quỳnh Anh cho biết, con chị năm nay thi ĐH, nếu không học thêm,
cháu sẽ khó có cơ hội đỗ cao vào trường ĐH “top” trên. Tuy nhiên, với
giờ học chính thay đổi thế này, con chị rất vất vả để theo học các buổi
học thêm diễn ra vào buổi tối.
Hơn
thế, vì giờ học chính bị đẩy xuống muộn nên các ca học thêm cũng sẽ đẩy
xuống muộn hơn vì thế nhiều em khi tan học thì đêm đã khuya.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét