Bạn í có cái tên cực ấn tượng là Họa Mi. Không chỉ cực "đỉnh" trong môn Văn, Họa Mi còn hát rất hay nữa đấy!
Sở hữu một gương mặt dịu dàng đậm
chất con gái chuyên Văn, cô bạn có cái tên cực kêu: Bùi Thị Họa Mi (học
sinh lớp 11 Văn - trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội) thực sự gây
ấn tượng với người đối diện, không chỉ bởi khuôn mặt dễ thương, pha chút
tinh nghịch mà bằng cả thành tích siêu khủng của mình.
Họ và tên: Bùi Thị Họa Mi
Ngày tháng năm sinh: 21/4/1995
Lớp: 11 Văn
Trường: THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Sở thích: ca hát, đánh guitar, viết truyện ngắn, nghe nhạc, mua sắm, đi chơi cùng gia đình, bạn bè, nấu ăn…
Thành tích học tập:
Lớp 7: Giải Nhất học sinh giỏi Văn cấp quận.
Lớp 8: Giải Nhất học sinh giỏi Văn cấp trường.
Lớp 10: Giải Ba học sinh giỏi Văn cấp trường.
Lớp 11: Giải Ba học sinh giỏi Văn cấp thành phố
- Giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp Quốc gia.
Thành tích ngoại khoá:
Lớp 7: Giải nhất đơn ca “giai điệu tuổi hồng”.
- Là đại biểu tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc.
- Giải Nhất đơn ca “tiếng hát thầy cô 20/11”
Lớp 8: Giải thưởng Kim Đồng do TW đoàn trao tặng.
- Giải Nhất đơn ca “tiếng hát thầy và trò” cấp thành phố.
- Giải Nhất đơn ca “tiếng hát thầy cô 20/11”.
Lớp 9: Giải Nhất đơn ca “tiếng hát thầy cô 20/11”.
Lớp 10: Giải Nhất đơn ca “tiếng hát thầy cô 20/11”.
- Giải Nhì tam ca “giai điệu tuổi hồng” quận Hà Đông.
Lớp 11: Giải đặc biệt cuộc thi hát tiếng Anh “sing to learn” của trường PTIT.
|
Đây chính là cô bạn Họa Mi vừa hát hay lại còn học Văn siêu "khủng".
Chào Họa Mi, trước tiên, chúng tớ xin chúc mừng bạn về thành tích xuất sắc trong kì thi HSG Quốc gia vừa rồi nhé.
Mình cảm ơn! Mình cũng khá bất ngờ vì nhận được giải thưởng này (cười).
Chỉ mới là học sinh lớp 11, nhưng lại đạt giải Nhì trong kì thi HSG Quốc gia bạn có thể bật mí bí quyết của mình không?
Thực
sự, ban đầu khi mới tham gia Đội tuyển Học sinh giỏi của Thành phố,
mình cũng cảm thấy rất lo lắng, tự ti về kiến thức có phần còn ít hơn so
với các anh chị lớp 12. Lúc đó, mình chỉ nghĩ rằng, được tham gia vào
Đội tuyển đã là một điều cực kì may mắn rồi. Đến khi bắt đầu học thi,
mình càng cảm thấy hoang mang hơn về kiến thức khi mà xung quanh mọi
người đều giỏi và trình độ lại rất vững vàng. Nhưng rồi, mình cố gắng
không gây quá nhiều áp lực cho bản thân, thay vào đó là luôn cố gắng tự
động viên mình, không quá coi nặng kết quả của cuộc thi mà luôn coi đó
là một sân chơi để mình thử sức và khẳng định trình độ.
Khoảng
thời gian ôn thi là lúc mình thực sự được sống với Văn, cảm nhận Văn
học ở bất cứ nơi đâu có thể. Và kết quả nhận được thì thật sự bất ngờ.
Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm làm bài cũng như việc giữ tâm lý tốt nhất khi tham gia kì thi quan trọng này?
Mình
cũng không có nhiều bí quyết, chỉ chuẩn bị một số điều đơn giản mà bất
cứ thí sinh nào cũng làm trước khi tham gia một kì thi. Nhưng hiệu quả
đem lại không hề nhỏ.
* Kinh nghiệm giữ tâm lý:
Trong cả thời gian học lẫn trước khi thi, mình luôn cố giữ tâm lý thoải
mái nhất, không để mệt mỏi hay lo lắng vì bất cứ điều gì. Mỗi khi căng
thẳng hay chán học, mình xả stress bằng cách nghe những bản nhạc mà mình
yêu thích. Trước khi thi một tuần, mình đã “tạm thời” ngừng học, không
cố gắng ôn tập hay làm quá nhiều bài tập sẽ khiến cho kiến thức bị loãng
và không tập trung vào phần kiến thức trọng tâm. Khoảng 1, 2 ngày trước
khi thi, mình ôn sơ qua bài, những phần còn cảm thấy chưa ổn thì sẽ hệ
thống lại kiến thức. Giữ tâm lý thật tốt, ăn uống đầy đủ và đầu óc luôn
thoải mái, không nên quá lo lắng về đề thi hay kì vọng quá cao vào kết
quả và tuyệt đối phải tự tin vào khả năng của chính mình.
* Kinh nghiệm làm bài:
Trước khi tham gia kì thi, mình và một số chị trong đội tuyển đã khích
lệ lẫn nhau để giữ vững tinh thần, tạo tâm lý thoải mái, bình tĩnh. Lúc
mới nhận được đề, mình cảm thấy khá choáng vì “trượt tủ” phần lớn kiến
thức trong đề mình không ôn quá nhiều. Tuy nhiên, sau một khoảng thời
gian ổn định tinh thần, mình cố gắng nhớ lại những kiến thức đã được
thầy cô truyền đạt và bắt đầu viết một mạch hơn 10 trang giấy. Tuy
nhiên, trong lúc làm bài, cũng có đôi lúc mình bị phân tán tư tưởng: có
bạn xin giấy trước mình (lo lắng vì mình viết chậm quá, bài ngắn), hay
đến lúc cuối thì viết quá nhanh nên cũng hơi lo chữ xấu khiến thầy cô
không đọc nổi. Nhưng rồi mình cũng cố ổn định tâm lý để hoàn thành bài
thi kịp giờ.
Mi cùng những người bạn trong lớp.
Bạn có cách nào để cân đối việc học ở trường và ôn thi?
Đây
cũng là điều mình rất phân vân và lo lắng trước khi tham gia kì thi
này, vì sợ bị hổng kiến thức sau khi ôn thi trong đội tuyển. Tuy nhiên,
nhờ có những người bạn tốt xung quanh, mà vấn đề này đã được giải quyết
vô cùng suôn sẻ. Trong lúc ôn thi, các bạn vẫn liên lạc và cập nhật kiến
thức cần thiết cho mình. Còn sau khi quay trở lại lớp học, thì cả một
nhóm "gia sư" thay phiên nhau giảng bài giúp mình để lấp đầy chỗ hổng
kiến thức. Mất một tuần đầu, mình cảm thấy khá hoang mang và lo lắng vì
quá nhiều kiến thức mới. Sau đó, mình buộc phải tăng thời gian học lên,
chăm chỉ hơn trong khi học và tích cực hỏi bạn bè những phần không hiểu
và rồi cũng cân bằng lại được việc học tập ở trường.
Đa
số những bạn đi thi quốc gia đều gặp phải rất nhiều áp lực từ sự kì
vọng của thầy cô, gia đình, bạn bè và đôi khi gặp stress do quá căng
thẳng. Bạn làm thế nào để có thể giảm bớt áp lực cho mình và đạt được
thành tích tốt như vậy?
Mình rất may mắn
vì thầy cô và gia đình không đặt áp lực mà luôn động viên và ủng hộ
mình hết sức. Bên cạnh đó, thầy cô luôn quan tâm, gọi điện hỏi thăm sức
khỏe và động viên học tập, khiến mình luôn cảm thấy thoải mái và tự tin.
Dù đôi khi mình cũng cảm thấy mệt mỏi vì sự “kỳ vọng âm thầm” của gia
đình và thầy cô. Tuy nhiên, mình thường không để bản thân quá bận tâm
với những nỗi lo lắng đó, mà thường tự nhủ cần cố gắng hết sức để đáp
lại sự ủng hộ của mọi người. Các anh chị khóa trên cũng luôn động viên
và chia sẻ kinh nghiệm học tập, giúp mình cảm thấy thoải mái hơn. Thực
sự phải cảm ơn các anh chị đã luôn bên cạnh, đùa vui để mình cảm thấy
thoải mái và bớt áp lực.
Một
số bạn học sinh thường có tâm lý ngại học Văn vì cho rằng môn học này
dài dòng, không cần thiết. Một thực tế khác là Văn chẳng thể áp dụng vào
đời sống nên không cần thiết phải học. Là một người yêu Văn, bạn có lời
chia sẻ gì với những bạn học sinh đó?
Đây
là tâm lý của rất nhiều bạn, nhất là những bạn học ban Tự nhiên, vì tâm
lý Văn rất khó học, chả có công thức, chuẩn mực gì cả, việc chấm điểm
hoàn toàn dựa theo thầy cô giáo nên thường khó được điểm cao. Tuy nhiên,
việc học Văn cũng có rất nhiều điều thú vị: giúp ta cảm nhận về cuộc
sống xung quanh; qua từng trang sách, ta có thể "đi du lịch" qua các
vùng miền của thế giới mà chẳng tốn tiền; nâng cao khả năng giao tiếp
với mọi người; thấy tự tin hơn trong khi nói chuyện, thể hiện bản thân…
Quan trọng nhất là khi học 1 môn bất kì, nên chọn cho mình điều yêu
thích, chứ không nên quá coi trọng điểm số. Nếu biết trân trọng và tận
dụng, thì môn Văn là một môn học vô cùng có giá trị.
Theo Mi, học Văn khó nhất là điều gì? Bạn có thể chia sẻ bí quyết để có thể cảm nhận tốt nhất một tác phẩm Văn học?
Theo
mình, học Văn khó nhất là phần cảm nhận về tác phẩm và phần cảm xúc ấy
lại thường xuyên bị chi phối bởi cảm xúc của bản thân. Việc học Văn cũng
cần rất nhiều thời gian để có thể tìm tòi cảm xúc ẩn chứa phía sau từng
con chữ. Nhưng khi thực sự hiểu, cảm nhận được tác phẩm thì đó là một
điều thực sự tuyệt vời!
Đứng
trước một tác phẩm văn học, để cảm nhận tốt nhất, hãy mở rộng tâm hồn
mình, suy nghĩ rằng đó là một câu chuyện của bản thân, là một thông điệp
mà tác giả gửi tới mình để suy nghĩ, chiêm nghiệm. Để rồi đồng cảm với
tác giả và điều quan trọng là phải chân thật với cảm xúc của mình. Đến
với mỗi tác phẩm, hãy đừng gò bó cảm xúc mà hãy để cho tâm hồn được tự
do. Đừng nghĩ rằng học Văn, làm Văn để được điểm cao, được học sinh
giỏi, với kiểu học thực dụng như vậy sẽ rất khó để cảm nhận được Văn
học.
Có
bao giờ bạn cảm thấy hối tiếc khi đã chọn học chuyên Văn mà không phải
một bộ môn nào khác có cơ hội thử tài năng của mình ở đấu trường quốc tế
(Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin…)?
Hối tiếc
là một từ không có trong từ điển của mình, vì mình luôn cố gắng suy nghĩ
rất kĩ trước khi quyết định một vấn đề nào đó để không bao giờ hối hận,
hối tiếc vì lựa chọn sai lầm của mình. Học lớp Văn giúp mình trở nên nữ
tính hơn, dịu dàng hơn và đến bây giờ mình đã có một khoảng thời gian
vô cùng đẹp bên cạnh các bạn và thầy giáo biết tâm lý, hài hước. Với
tính cách của mình, có lẽ hợp nhất là học Văn, mình cảm thấy học Văn nhẹ
nhàng hơn các môn khác rất nhiều. Chỉ cần một tờ giấy, một cái bút và
bằng cảm xúc của bản thân có thể làm được bài tập rồi, khác xa với các
môn Tự nhiên, chỉ cần quên học bài là thôi rồi, trăm phần trăm để giấy
trắng luôn.
Đôi khi những chuyện hát hò cũng giúp Mi giảm bớt áp lực trong học tập.
Được
giải Nhì Quốc gia và theo quy chế mới nhất của bộ GD - ĐT, bạn sẽ được
tuyển thẳng vào một trường đại học có khối thi tuyển sinh môn Văn. Bạn
có thể chia sẻ chọn lựa và mơ ước tương lai của mình không?
Năm
sau mình sẽ lựa chọn dự thi vào trường đại học Ngoại Thương để thực
hiện ước mơ là làm một nhà Kinh tế thành công. Ước mơ tương lai của mình
cũng khá đơn giản, mình muốn sau khi thành công sẽ đi du lịch vòng
quanh thế giới, làm từ thiện và có một nhà sách thật lớn để đọc thỏa
thích và được làm những điều mình muốn.
Cảm ơn sự chia sẻ của bạn! Chúc bạn thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét