Tôi cũng đi làm gia sư giống như bao SV khác. Mục
đích hàng đầu của tôi không phải là để có thêm thu nhập hàng tháng như
một số người. Tôi đi dạy là để có những kinh nghiệm đứng lớp cho nghề
nghiệp tương lai, để hiểu thêm tâm sinh lý các em, để chủ động đối phó
trước những tình huống phức tạp trong cuộc sống. Gia sư thì nhiều, HS
thì chỉ một phần nhỏ, dạy thế nào để có chất lượng là vấn đề không hề
đơn giản, là mối quan tâm trăn trở của cả phụ huynh HS lẫn gia sư.
Tìm hiểu tâm lý HS
Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải nắm được tính
tình HS của mình để có thể linh động áp dụng những cách dạy khác nhau
cho phù hợp. Qua một số buổi dạy đầu, bạn nên dành thời gian hỏi nhiều
về sở thích của em để nắm bắt được tính cách và gây thiện cảm cho HS.
Với HS nào thì nhẹ nhàng, với HS nào thì nghiêm khắc là cả một nghệ
thuật mà nếu không để ý rất dễ bị mất việc.
Nhiều phụ huynh thường quan niệm rằng gia sư càng
nghiêm khắc càng tốt, nên họ đòi hỏi gia sư phải làm thế nào để cho con
em họ "sợ" mới là gia sư có uy tín. Trong khi đó chính những người bố,
người mẹ đó lại quá nuông chiều con cái mình. Tôi có một cậu HS sống với
mẹ. Mẹ cậu cũng là giáo viên nên có dặn tôi phải nghiêm khắc với cậu
thì cậu mới nên người. Tôi không đồng ý với cách dạy cứng nhắc đó. Thứ
nhất, mẹ cậu dạy tiếng Anh trong khi đó tôi dạy Văn, nên tôi không muốn
HS của mình bị ức chế trong giờ học chỉ vì cô giáo quá nghiêm khắc. Cần
tạo một bầu không khí thật thoải mái để HS có hứng thú học môn của bạn.
Thứ hai, tôi biết cậu sống thiếu thốn tình cảm nên
tôi cũng hay tâm sự với cậu để có thể xoá bỏ khoảng cách giữa cô và trò,
để cậu coi tôi là người bạn đáng tin cậy để có thể hỏi han và nhờ tư
vấn giúp. Rõ ràng nếu không tìm hiểu tính cách của HS, bạn sẽ rất băn
khoăn trong việc lựa chọn phương pháp dạy. Với HS thông minh và có phần
ngang bướng, nghiêm khắc chỉ đem kết quả ngược lại.
Có phương pháp dạy riêng
Để giữ được chữ tín với phụ huynh HS, bạn phải làm
thế nào để cho HS thích thú với cách dạy của bạn. Rõ ràng người thuê bạn
là phụ huynh nhưng bạn dạy tốt hay không, bạn có trụ lại được lâu hay
không lại là do HS có thích cách dạy của bạn hay không. Vì vậy bạn phải
có phương pháp dạy học riêng.
Tôi dạy môn Văn cho HS của mình. Một trong những kinh
nghiệm của tôi là không bao giờ dạy trước chương trình cho các em. Bạn
đừng chủ quan nghĩ rằng bạn có thể giỏi hơn các thầy cô giáo của chúng ở
trường. So với họ, bạn chắc chắn không thể ngang bằng về tuổi tác, kỹ
năng sư phạm, sự từng trải trong cuộc sống...
Sau khi học xong các phần trong sách giáo khoa, tôi
thường cho HS đọc thêm tác phẩm của các tác giả học trong chương trình
phổ thông. Tôi nhờ chúng đọc “diễn cảm” cho tôi nghe, sau đó tôi sẽ hỏi
chúng về câu chuyện đó. Với HS lớp 6, tôi bảo em trả lời cho tôi các câu
hỏi: Truyện có những nhân vật nào, em thích nhân vật nào nhất, tại sao,
em có thể kể lại câu chuyện đó hộ chị được không... Với HS lớp 8, tôi
thường nhờ em phân chia bố cục tác phẩm, tóm tắt tác phẩm, nhận biết các
dấu hiệu nghệ thuật của tác phẩm...
Thường thường các em rất hứng thú với phương pháp dạy
học này của tôi. Điều này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức mà
còn rèn cho các em kỹ năng “đọc” tác phẩm. Phần tập làm văn, đưa ra một
đề cho các em, bạn phải tập cho các em thói quen phân tích đề, chia dàn
ý. Với từng HS, nên áp dụng thật linh hoạt những kỹ năng dạy, như thế
bạn sẽ luôn làm chủ được các tình huống.
Tạo tính tự lập cho các em
Đây là vấn đề mà rất nhiều gia sư không để ý đến.
Ngày nay không thiếu các gia sư có kiểu làm hộ HS của mình để lấy điểm
cao mà (cố tình) không nghĩ rằng như thế là đang làm hại các em. Hiện
nay các gia đình thuê gia sư về nhà dạy cho con mình đều là những nhà
khá giả. Các em thường không phải làm bất cứ việc gì vì đã có người ở
làm giúp. Chính vì thế nên dần dần các em quen ỷ lại vào người khác. Bài
tập thì hoặc chép từ sách giải, hoặc là nhờ gia sư làm hộ. Các em không
chịu động não suy nghĩ trước bất cứ một vấn đề nào.
Tôi có cậu học trò rất thông minh, nhanh nhẹn nhưng
ngang bướng và lười. Hôm ấy, tôi đến dạy như mọi lần. Bài tập về nhà của
em là hai bài tập làm văn. Tôi giảng qua cho em và yêu cầu em tự viết
ra giấy. Em nhất định không chịu, chỉ nói: "Em không hiểu, em không biết
viết cái gì". Đầu tiên tôi cố gắng động viên, khích lệ: "Em thông minh
thật đấy, nhưng em phải bộc lộ ra nghĩa là phải viết ra giấy thì người
khác mới biết chứ"...
Em bảo: "Chị viết hộ em đi, các chị gia sư trước của
em cũng thế, khó thế này em làm sao viết nổi". "Đúng, đề văn này với chị
rất dễ, chỉ cần ngồi một tiếng chị có thể làm xong cả hai đề cho em,
nhưng cái chính là em phải tự viết, vì đó là suy nghĩ của em, chứ không
phải là suy nghĩ của chị. Chị đã hướng dẫn cho em rồi, các bạn cùng lớp
làm được mà mình không làm được thì xấu hổ quá". Em vẫn tiếp tục "lý sự
cùn" với tôi: "Các bạn cùng lớp em cũng toàn do các chị gia sư viết hộ
thôi”.
Thấy tôi cương quyết không đồng ý, em bảo: “Thôi,
không cần nữa mai em nhận điểm một cũng được”. “Chị hơi bất ngờ đấy, tại
sao em lại có thể buông xuôi dễ dàng như thế được nhỉ? Chị làm giúp em
chỉ hại em thôi”. Tôi đã nói hết nước hết cái mà em vẫn ngang bướng,
chấp nhận không làm. Cuối cùng tôi đành phải bắt em lựa chọn hoặc là tôi
đi về, hoặc là em tự làm. Em vẫn không thay đổi quyết định. Tôi đành
đứng lên, cầm cặp đi ra cửa. Em liền chạy theo: “Chị ơi, chị đừng về, em
đùa đấy, em ngồi làm bây giờ đây". "Chị không thích ai không có tính tự
lập và dễ buông xuôi như thế". Em rối rít xin lỗi tôi. Tôi quay trở
lại, và buổi học hôm ấy em đã làm rất tốt hai đề văn cô giao.
Rõ ràng, làm gia sư không dễ như một số SV lầm tưởng.
Các bạn cũng đừng nghĩ rằng chỉ cần dạy để các em có điểm cao, có thành
tích tốt vì những cái ấy chỉ là một phần nhỏ động viên các em. Điều
quan trọng là giúp các em trau dồi kiến thức thật sự. Một gia sư có
trách nhiệm là gia sư biết cách dạy, không chỉ dạy các em kiến thức mà
còn dạy các em cách làm người, lối cư xử đúng đắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét