Ngày ngày trên chiếc xe honda cũ, ông Lạc vẫn chạy cả trăm cây số để đi gia sư. Nhiều người nghĩ ở tuổi này ông nên nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu. Nhưng với ông, “cuộc sống không có gì là giới hạn cả…”
Ông già thích nghề sư phạm, ham
dạy học đó là Hoàng Văn Lạc, sinh năm 1935 ở Hà Nội, hiện đang cư ngụ
tại đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM. Ông Lạc đã có 20 năm làm
nghề gia sư.
Thầy Lạc xem lại bài trước khi đi dạy
Trong cái nắng oi bức, ngột ngạt của những ngày cuối
tháng 4, chúng tôi phải vất vả lắm mới tìm được nơi trọ của ông. Một căn
phòng nhỏ nằm trên đường Lũy Bán Bích của, căn phòng chẳng có gì quý
giá ngoài số lượng sách khổng lồ được sưu tầm trong nhiều năm qua.
Chúng tôi gặp ông cũng vừa lúc ông hết ca buổi sáng, tranh thủ ghé về
nhà ăn tạm bát cơm để tiếp tục cho công việc buổi chiều. Nhìn ông chúng
tôi cảm nhận được sự vất vả, mệt mỏi hiện trên khuôn mặt với nhiều nếp
nhăn của ông. Tuy vậy, ông vẫn vui vẻ, hồ hởi kể lại cho chúng tôi biết
những năm tháng khó khăn của đời mình…Ông còn nhớ rất kỹ, những ngày tháng vô cùng khó khăn khi lần đầu tiên ông cùng gia đình đặt chân lên đất Sài Gòn. Đó là vào năm 1945, khi mà đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Gia đình ông đã phải chạy từng bữa ăn một, đó là chưa kể việc bị khám xét đánh đập của quân giặc và cứ mỗi lần như vậy ông lại phải sống chui lủi ở bờ ở bụi…
Tuy nhà nghèo, đất nước loạn lạc nhưng bố mẹ của ông vẫn cố gắng lo cho ông và các anh chị em ăn học đầy đủ.
Tốt nghiệp xong lớp 12, ông đi thi đại học nhưng không đạt, ông đã phải xin đi dạy ở huyện Củ Chi và sau được cử đi học lớp sư phạm bổ túc ở Tây Ninh. Sau khi hoàn thành khóa học, ông trở về công tác tại địa bàn Củ Chi với cái nghề gõ đầu trẻ.
Ông bắt đầu đi dạy gia sư từ năm 1990, ban đầu là dạy toán, lý, hóa và Anh văn cho các em học sinh cấp hai ở trong làng. Vào thời điểm lúc đó, vùng Củ Chi còn là một vùng đất hoang sơ, nghèo đói, ông đã phải bỏ tiền túi ra mua gỗ đóng bàn ghế để giúp các em có nơi học đàng hoàng. Về sau khi tiếng tăm của ông đã vang xa, đến nỗi có rất nhiều phụ huynh trên Sài Gòn xuống mời ông lên dạy cho con cái họ. Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng từ chối mãi không được, ông đành phải khăn gói lên thuê trọ trên Sài Gòn để đi gia sư.
Ở cái thành phố đất chật người đông này, ông phải vật lộn với bao nhiêu khó khăn, không chỉ có việc ăn việc ở mà ông còn phải đối mặt với một lớp trẻ đầy năng động, thông minh. Dạy làm sao để phù hợp với lớp trẻ, để lớp trẻ tiếp thu nhanh và hiệu quả nhất luôn là điều khiến ông băn khoăn lo nghĩ.
Ông tâm sự: “Một ngày dạy ba đến bốn ca nhiều khi thấy đuối sức, muốn nghỉ ngơi nhưng thấy nhiều học sinh say mê, chăm chú nghe giảng ông lại phải gắng sức để đến với các em”. Hiện giờ, ông Lạc đang dạy cho gần 30 em học sinh lớp 6, lớp 8, lớp 9 môn toán ở các quận Tân Phú, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức…
Khi chúng tôi hỏi về sức khỏe ở cái tuổi gần 80, ông Lạc bộc bạch là ông thường xuyên tập thể dục để giữ gìn sức khỏe. Ông cũng cho biết thêm: Mặc dù còn rất đam mê việc dạy học nhưng chắc chỉ một hai tháng nứa là ông “gác kiếm”, bởi vì vợ của ông ở Củ Chi đang mắc bệnh hiểm nghèo, cần có người bên cạnh để chăm sóc. Nhưng dù sao cái niềm vui của ông sẽ vẫn còn kéo dài mãi mãi vì người con trai của mình cũng đang tiếp bước cái nghề gia sư của ông, đó sẽ là một động lực lớn để ông tiếp tục sống và cống hiến.
Nhận xét về người thầy của mình, em Trần Thị Lan, cư ngụ ở quận Tân Bình tâm sự: “Thầy là một người rất quan tâm đến học sinh, thầy luôn tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh nắm vững bài một cách tốt nhất. Không chỉ có thế, thầy còn thường xuyên sưu tầm sách quý gửi tặng học sinh, có khi phải bỏ cả vài trăm nghìn để mua một quyển sách mang cho học sinh nghèo, thầy là một tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét