Không đủ điểm để vào học ngành mình đã
chọn, ước mơ được học lên của Hoài cũng dở dang khi Hoài không thuộc
diện xét tuyển đối với thí sinh các huyện nghèo, dù em là “hạt giống”
quý của bộ tộc Đan Lai, ở nơi cực kỳ khó khăn.
Dựng lều nuôi chữ
Nhà Hoài ở bản Cò Phạt (xã Môn Sơn,
huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An), trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.
Nơi đó hiện có hơn 90% hộ dân là đói, nghèo và chưa có trường THCS,
chưa có điện lưới thắp sáng.
Phần lớn học sinh Đan Lai ở bản Cò
Phạt học xong tiểu học tại Trường Tiểu học Môn Sơn 3 (phân hiệu dành
riêng cho con em tộc người thiểu số Đan Lai) là nghỉ học ở nhà dựng vợ
gả chồng.
Em La Thị Hoài - nữ sinh duy nhất của tộc người Đan Lai ước muốn học lên để trở về giúp bà con bản làng |
Hoài ham học và may mắn hơn các bạn cùng bản khi hết lớp 5 em được bố mẹ cho ra trung tâm xã, dựng lều trọ học cho đến lớp 12.
Những dịp lễ, nghỉ hè, Hoài trở về
bản, cùng thầy cô giáo đến từng nhà vận động dân bản cho các em ra cùng
trọ học, học lên THCS. Được vận động, thuyết phục nhiều lần, bà con bản
làng cũng ưng cái bụng “gửi con cho cái Hoài để nó học lên kiếm con
chữ”.
Những năm qua, Hoài là “chị cả” dìu
dắt gần 10 em ở bản cùng ra trọ học trong căn chòi tranh bên dòng sông
Giăng. Chưa có đường bộ để về nhà, 1-2 tháng Hoài cùng các em ngược thác
dữ sông Giăng bằng thuyền hoặc bè nứa về nhà một lần. Các em lấy gạo,
dưa, rau, măng rừng muối ra để ăn dần.
“Em rất buồn khi mình ở nơi vùng sâu
vẫn không được nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp dân tộc thiểu số Trường ĐH
Vinh. Em đang nộp hồ sơ vào hệ CĐ Trường ĐH Y khoa Vinh nhưng cũng mong
manh. Em mong được học lên lắm, để sau này còn về quê công tác, giúp
người dân bản mình” - Hoài nói.
Căn lều trọ học của các em không bàn,
không giường, chỉ có manh chiếu trải lên chiếc ván làm nơi ngồi học và
ngủ. Không có giếng nước, hằng ngày các em thay nhau vào nhà dân xin
hoặc xuống sông Giăng lấy nước lên dùng. Do bố mẹ các em ở bản cũng
thiếu đói nên không có gạo, tiền để cung cấp cho các em hằng tháng mà
chỉ gửi cho ít rau, dưa. Do vậy, Hoài và các em tiết kiệm, chi tiêu từ
tiền trợ cấp học sinh dân tộc thiểu số và sự cưu mang của người dân,
thầy cô giáo và bộ đội biên phòng.
Dang dở ước mơ
Năm đang học lớp 10, Hoài ra thị trấn
Con Cuông xin tuyển vào trường thiếu sinh quân để thực hiện ước mơ làm
chiến sĩ công an. Nhưng do thường thiếu ăn nên Hoài không đủ trọng lượng
và chiều cao nên bị loại.
Không nản chí, Hoài trở về căn lều trọ
học, tiếp tục học tại Trường THPT Mường Quạ. Hoài thấy tủi và thương
người Đan Lai của mình nên cố “nuốt” kiên thức, gắng học khối B để thi
vào Trường ĐH Y khoa Vinh rồi trở về quê giúp bà con dân bản. Ngày nhận
được tin Hoài đậu tốt nghiệp, cả bản làng vui mừng, chộn rộn hẳn lên. Họ
tự hào “người Đan Lai chúng ta ở trong rừng sâu đã có cái Hoài học hết
chữ (học hết THPT) ở trường huyện rồi”.
Ngày Hoài sắp đi thi ĐH thì bố bị ốm,
mẹ chưa xuống phố bao giờ nên không biết đường đưa Hoài đi thi. Mẹ bán
đàn gà, vay tiền khắp làng được 1 triệu đồng để Hoài ra trung tâm xã đi
thi cùng các bạn. Thi xong Trường ĐH Y khoa Vinh, Hoài lại ngược dòng
sông Giăng về nhà, lên nương rẫy và chờ mong kết quả. Ban đêm, Hoài đến
nhà vận động các em trong bản tiếp tục ra trung tâm xã học lên THCS. Rồi
Hoài hăm hở ra trung tâm xã, nơi có sóng điện thoại để xem kết quả thi.
Nhưng Hoài đã khóc khi kết quả chỉ đạt 11 điểm, không đủ điểm vào hệ ĐH
Trường ĐH Y khoa Vinh.
Hay tin Trường ĐH Vinh đang xét tuyển
215 thí sinh là người dân tộc thiểu số, ở huyện nghèo theo Nghị quyết
30a của Chính phủ nên Hoài lại ra trung tâm xã làm hồ sơ xin xét tuyển.
Tuy nhiên, nơi Hoài ở là huyện Con Cuông, không thuộc huyện nghèo 30a
nên em không thuộc diện xét tuyển, dù em là “hạt giống” quý của bộ tộc
Đan Lai, ở nơi cực kỳ khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét