Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Vị giáo sư với "đôi mắt xanh"

GS.TS Đỗ Nguyễn Phương đi xa đã hơn một tháng. Anh đã không kịp một lần nữa đón những bó hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay của nhiều, rất nhiều thế hệ học trò trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mà Anh đã có công dạy dỗ.

Bài học về sự chủ động và tư duy phản biện
Tôi nhớ mãi hình ảnh Anh - người thầy của mình, trong tấm áo trấn thủ, một loại áo bông không có tay và trần bằng đường may hình quả trám mà bộ đội Cụ Hồ mặc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với tư cách Bí thư Đoàn Thanh niên Lao Động (nay là Đoàn TNCSHCM) trường đại học Y - Dược Hà Nội, niềm nở đón lũ học sinh chúng tôi ngày đầu nhập học tại Trường 46 năm về trước.
"Anh luôn nhân hậu, khiêm nhường..." (Ảnh: VNN)

Tôi cũng không thể quên hình ảnh Anh với mũ tai bèo và bộ quân phục quân Giải phóng trong ngày chia tay chúng tôi năm 1972 để vào chiến trường B2 đầy bom đạn.
Cả cuộc đời Anh, theo cảm nhận của tôi, lúc nào cũng toát lên một hình ảnh của con người nhiệt tình, sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm; bên cạnh đó, là sự đôn hậu, giàu lòng vị tha và từ đó, trở thành chỗ dựa đối với bạn bè, đồng nghiệp và với cả học trò.
Bài học lớn nhất mà chúng tôi học được từ Anh, đó là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn (y học và y tế): trong chuyên môn có chính trị và trong chính trị có chuyên môn.
Khi tôi còn là cán bộ giảng dạy ĐH Y Hà Nội, tham gia thường vụ Đoàn Thanh niên nhà trường, Anh là Bí thư, nhiều lần Anh chỉ dẫn tôi cách tổ chức hội nghị bàn về phong cách học tập và nghiên cúu khoa học của cán bộ trẻ và sinh viên trong nhà trường. Vào thời đó, chính trị là thống soái; chính trị đi trước, chuyên môn theo sau.
Cách quan niệm khô cứng, máy móc, người ta dễ tách rời chính trị và chuyên môn hoặc quá thiên về một phía. Khi bàn việc học tập của sinh viên, có xu hướng chỉ coi trọng xây dựng động cơ học tập mà coi nhẹ phương pháp, vì vậy các bài thuyết trình chỉ dừng lại ở cách nói chung chung: học tập vì lý tưởng cách mạng, vì tương lai, vì nhân dân, v.v..., mà it phân tích, đề xuất phải làm thế nào để học giỏi.
Anh đã dặn tôi rằng phải giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên, nhưng nếu thật sự vì lý tưởng cách mạng thì sinh viên phải cần và phải biết học giỏi. Dĩ nhiên, cách dạy, cách học như thế thường là thiếu sức thuyết phục, nhất là đối với những học sinh có tư chất, coi trọng tư duy phản biện.
Từ đề xuất của Anh, Đoàn Thanh niên nhà trường đã tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu kinh nghiệm hay của những sinh viên giỏi trong các khoá học. Không ngờ nhiều sáng kiến hay được chia sẻ và một phương pháp được đề cao là sinh viên phải chủ động và tự học là chính, thay cho lối học tổ nhóm truyền khẩu, thụ động.
Dù thế, không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ. Có lúc tranh luận diễn ra khá quyết liệt; thậm chí, có người quy kết Anh và tôi là những người mang nặng “tư tưởng chuyên môn thuần tuý”!
Nhưng, thực tế chứng minh, Anh hoàn toàn không phải con người như vậy. Khi Anh đã ở cuơng vị Bộ trưởng Bộ Y tế, và tôi vừa được đề bạt là Thứ trưởng giúp việc Anh, Anh gọi tôi vào phòng làm việc, nói với tôi rằng: “Cậu là một cán bộ khoa học trẻ (năm 1996 tôi là cán bộ còn trẻ trong ngành Y được phong học hàm giáo sư cùng đợt với Anh: Anh là giáo sư triết học, còn tôi là giáo sư Y học), nhưng làm quản lý, chỉ có chuyên môn giỏi chưa đủ, mà phải có nhận thức chính trị sâu sắc. Vì vậy, cậu phải học nghiêm chỉnh một khoá tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tớ giao cho cậu nghiên cứu chuyên đề tư tưỏng Hồ Chí Minh về sức khoẻ và công tác chăm sóc sức khoẻ. Đây sẽ là cái gậy để cậu vươn lên trong công việc quản lý y tế”.
Tuân theo lời Anh, tôi đã đến Học viện để theo học lớp tại chức 4 năm và căm cụi nghiên cứu chuyên đề trên. Bây giờ ngẫm lại lời Anh dặn mới thâm thía sự sâu sắc của Anh trong tư duy và tầm nhìn về sự kết hợp giữa chính trị và chuyên môn hay nói rộng ra, chính trị và khoa học.
Cũng chính với sự kết hợp nhuần nhuyễn đó mà trong tư tưởng của Anh, định hướng “công bằng” luôn luôn là chủ đề xuyên suốt trong quản lý y tế của nước ta trong thời đổi mới.
"Tớ, cậu, những người trong ngành Y phải làm gì đây ?”
Bước vào thời kỳ mở cửa 1986, chúng ta nghĩ một cách đơn giản rằng, khi áp dụng cơ chế thị trường vào quản lý kinh tế thì đương nhiên chúng ta sẽ có một mô hình y tế phù hợp và bắt nhịp với cơ chế đó.
Cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương (đứng giữa) trong đoàn bác sỹ Bệnh viện Việt Đức và Đại học Y Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Thuở ban đầu, đâu biết ngay được trong cơ chế thị trường, nền y tế cũng có nhiều kiểu mô hình: có loại phù hợp với thị trường tự do, lấy lợi nhuận là mục tiêu; có loại phù hợp với thị trường xã hội, lấy nhân đạo và công bằng là mục tiêu.
Do không có định hướng ngay từ đầu, những năm cuối của thập kỷ 80 và hai năm đầu của thập kỷ 90, nền y tế nước ta đã rơi vào sự khủng hoảng nghiêm trọng; y tế cơ sở đã đứng bên bờ vực của sự tan rã.
Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã đề ra nhưng quan điểm cơ bản của y tế trong thời kỳ đổi mới. Từ đó chúng ta mới có phương hướng rõ ràng trong xây dựng một nền y tế trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song mặt trái của cơ chế thị trường mang lại sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt, sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn ngày một sâu sắc.
Năm 1995 khi Anh đuợc Trung ương điều chuyển từ cương vị Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sang làm Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế đang đứng trước những thách thức lớn: nhân đạo hay thương mại hoá? y đức hay lợi nhuận ?... Nhiều cuộc bàn cãi, nhiều ý kiến. Mọi việc có chiều hướng rối tung, khiến những nhà quản lý không khỏi lúng túng.
Trong hoàn cảnh đó, một lần, Anh đến chúc Tết nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác Đồng cầm tay Anh, nói to từng chữ: "Các anh không đuợc biến bệnh viện thành cái chợ và trong cái chợ ấy, người thày thuốc là con buôn”.
Rời Phủ Thủ tướng, Anh đến thẳng nhà tôi chúc tết mẹ tôi và gia đình, mang theo trong lòng nỗi trăn trở về lời dặn của một bậc tiền bối cách mạng lớp đầu tiên của Đảng. Anh chia sẻ với tôi: “Sâu sắc quá, chí lý quá, và lớn lao quá cậu ạ. Tớ, cậu, những người trong ngành Y phải làm gì đây ?”.
Mười hai điều y đức của Anh ra đời sau đó ít lâu, là kết quả của những trăn trở đầy tinh thần trách nhiệm của Anh, người đứng mũi, chịu sào. Khái niệm “công bằng” trong chăm sóc sức khoẻ được Anh tổ chức triển khai và làm sâu sắc thêm trong hoàn cảnh đó.
"Cậu đã lên tay rồi đấy”
Sự nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn trong tư cách người thầy: GS.TS Đỗ Nguyên Phương, và tư cách nhà quản lý: Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, không chỉ thể hiện trên bình diện lý luận mà còn thể hiện rõ nét trong phong cách làm việc.
GS Phương (áo xanh) (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Một lần được tháp tùng Anh thăm một xã của huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (lúc đó còn gọi là Hậu Giang), thấy xã có một chị bác sỹ làm công tác việc khám chữa bệnh nên việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được cải thiện rất nhiều: nhân dân không phải đi xa, nhất là mùa nước nổi; trạm y tế quy củ, sạch đẹp, khang trang.
Anh quay lại hỏi tôi (lúc ấy tôi vừa làm Thứ trưởng vừa làm Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ): “Sao ta không đưa việc này thành phong trào hả cậu?”.
Lặn lội vào thực tiễn, rồi từ thực tiễn rút ra bài học và nâng thành chính sách (cái mà ngày nay Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo làm chính sách phải dựa trên bằng chứng) – chính là điều mà nhiều người chúng tôi học tập, thấm nhuần được từ Anh một cách sâu sắc.
Sau này, bắt chước Anh, có lần tôi thăm một trường tại huyện Tân Biên, Tây Ninh và chợt thấy khẩu hiệu treo trên cổng nhà trường, đại ý thày, trò nhà trường quyết phấn đấu thành trường chuẩn quốc gia.
Tôi chợt nghĩ tại sao ngành mình không xây dựng xã đạt chuẩn y tế quốc gia. Tôi về báo cáo Anh, Anh cuời một cách rất tình cảm và khen thực lòng: “Cậu đã lên tay rồi đấy”. Ý tưởng và chủ trương xã đạt chuẩn y tế quốc gia cũng bắt đầu từ thực tiễn.
Biết tôi say mê với chuyên ngành ghép thận, có lần Anh tâm sự và dặn tôi: “Ghép thận cứu người bệnh cũng tốt và cũng cần, nhưng cậu hãy đưa nhiều bác sỹ giỏi của ngành mình xuống các tỉnh, huyện, xã khó khăn để giúp việc cho tuyến dưới. Việc này sẽ cứu được nhiều người hơn”.
Anh giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo phong trào này và trực tiếp dẫn các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy về với Kiên Giang, Bệnh viện Bạch Mai về với Tuyên Quang, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về với Bình Phước; Bệnh viện Việt Đức về với Cao Bằng, Bệnh viện Trung ương Huế về với Kontum, v.v…
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và chuyên môn trong Anh đặc biệt thể hiện rõ nét trong những tình huống gay cấn.
Đầu năm 2001, khi xảy ra vụ gây rối trật tự xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên, Anh đã chỉ thị cho y tế các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thày thuốc mang cơm, mang nước, mang thuốc và mang cả chính sách của Đảng đến với dân. Việc làm này của ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần quan trọng không nhỏ vào việc ổn định tình hình, trật tự xã hội trên địa bàn.
"Con mắt xanh"
Nói đến GS. Đỗ Nguyên Phương còn phải nới đến tài dùng người giúp việc. Điều này, anh có được từ con mắt xanh, sự công tâm, công bằng xuất phát từ yêu cầu công việc; tấm lòng nhân hậu đối với từng cộng sự.
GS Đỗ Nguyên Phương trong vai trò đại biểu Quóc hội (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Mô hình y tế “Công bằng - Hiệu quả - Phát triển” trong điều kiện kinh tế thị trường chưa từng có tiền lệ. Các nước có quá trình chuyển đổi như nước ta mà một thời, y tế đã trở thành bông hoa của Chủ nghĩa xã hội, cũng ít nhiều chịu sự chao đảo về phương hướng trước mặt trái của kinh tế thị trường.
Để tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước có các quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, Anh đã tập họp nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, tranh thủ và phát huy trí tuệ của tập thể, vừa đúc rút kinh nghiệm trong nước, vừa nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới. Đèn trong phòng làm việc của Anh, nhiều hôm sáng đến 10g – 11g đêm.
Sau một chút lót dạ chiều thanh đạm, anh ngồi với chúng tôi – nhưng người cộng sự - để bàn cho thấu đáo từng chính sách, từng ý, từng điểm trong dự thảo nghị quyết hay chỉ thị. Làm việc với nhóm có lúc căng thẳng do sự chưa đồng thuận giữa các thành viên, Anh lại làm việc với từng người để tạo điều kiện cho người được nói có điều kiện nói hết ý nghĩ của mình mà không sợ một sự quy chụp hay thành kiến.
Với tôi, một người kém Anh tám tuổi đời và chỉ là người giúp việc, vậy mà bao giờ Anh cũng thực sự chăm chú khi tôi trình bày ý kiến, ghi chép lại một cách tỷ mỷ. Thỉnh thoảng có chỗ tôi diễn đạt không tốt làm Anh khó hiểu, Anh lại đề nghị tôi nói lại. Có lúc đang nghe, Anh lại ra cho tôi các câu hỏi làm tôi lúng túng và có lần phải xin khất để suy nghĩ thêm.
Sự chân tình lắng nghe và thẳng thắn trong trao đổi đã làm chúng tôi không ngần ngại đưa ra những ý kiến của mình, ngay cả khi những ý kiến đó trái ý kiến của Anh. Cũng chính điều đó khiến những người cộng sự của Anh luôn cảm thấy được động viên, được sống trong môi trường có điều kiện để cống hiến.
Với kinh nghiệm thế giới, Anh rất trân trọng. Anh đã chỉ thị cho chúng tôi mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về hoạch định chính sách y tế vào Việt Nam để học tập kinh nghiệm.


Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư sư phạmGia sư lýgia sư tiếng trung Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét