Sau một thời gian bị lương tâm dằn vặt, giờ đây M đã tìm được một công việc phù hợp. Từ thực tế đã trải qua, M đã kể lại cho chúng tôi về những góc khuất của một số trung tâm gia sư ma.
Bắt đầu...
Tháng 4.2007, tôi cùng mấy đứa bạn quyết định mở trung tâm gia sư, với suy nghĩ đơn giản là để kiếm tiền.
Theo tính
toán, chi phí cho một trung tâm gia sư không lớn, hơn nữa, nếu biết “làm
việc”, mỗi đứa chúng tôi cũng có thể kiếm được từ 4-5 triệu đồng, số
tiền bằng cả mấy tháng dạy thêm, làm thêm của mấy đứa chúng tôi cộng
lại. Thế là cả lũ hăm hở vào cuộc.
Đầu tiên là
địa điểm. Chúng tôi chọn đặt trụ sở tại đường T.Q.H. Con đường nhỏ này
nằm ngay phía sau trường Đại học Sư phạm HN, làm ăn dễ tạo được uy tín.
Ảnh minh họa: Các bạn hãy cẩn trọng khi tới các trung tâm gia sư |
Gọi là trụ
sở cho oai chứ thực ra, trung tâm là một căn phòng nhỏ chừng 4m2, chỉ đủ
để đặt một cái bàn, một cái điện thoại, vài cái ghế. Đôi lúc nhìn từ
ngoài vào, tôi thấy trung tâm của mình giống y một cái quán cắt tóc.
Mà đâu phải chỉ có mình chúng tôi như vậy, cả dãy phố con con này nhan nhản các trung tâm gia sư na ná vậy.
Bước tiếp
theo là quảng cáo để người ta biết đến mình. Trung tâm gia sư nào cũng
cần phải có một thầy giáo đứng tên để lấy uy tín. Chứ cái mác sinh viên
chúng tôi thì đời nào người ta chịu. Sau một hồi nghĩ nát óc, chúng tôi
quyết định bịa ra một cái tên: Trung tâm gia sư của thầy L.V.C, giáo sư,
tiến sỹ trường Đại học sư phạm Hà Nội.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn băn khoăn không hiểu trong trường Đại học sư phạm Hà Nội có thấy giáo nào tên như vậy không(?).
Rồi đến
tiết mục phát tờ rơi. Huy động mọi lực lượng cho công việc này. Đây mới
là công đoạn chúng tôi gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Cả lũ chia
nhau tìm đến các khu đông dân cư. Chia nhau toả ra các ngả, gặp đâu phát
đấy, gõ từng nhà, nhét qua khe cửa, dán vào cột điện, bảng tin. Nói
chung là tất tần tật những nơi có thể bắt mắt người qua lại. Buồn cười
nhất là có những lần thò tay vào cổng để vứt tờ rơi sờ đúng mõm chó, mấy
đứa con gái sợ xanh mặt. Rồi lại phải nhìn nhìn ngó ngó vào từng nhà,
ai thấy cũng tưởng là ăn trộm.
Có khách hàng nhờ tài “ba hoa”...
Vậy mà cũng có một số người tìm đến trung tâm. Chúng tôi ngày càng có nhiều việc để làm hơn.
Tôi vốn có
chút tài ăn nói, nên được giao nhiệm vụ trực điện thoại. Mỗi lần chuông
điện thoại réo lên, tôi lại giở bài quảng cáo đã thuộc lòng. "Đây là
Trung tâm gia sư do giáo sư, tiến sỹ L.V.C đứng đầu, đội ngũ gia sư của
chúng tôi đã qua “thẩm định nghiêm ngặt”, họ là các thầy giáo, cô giáo
đang giảng dạy tại trường sư phạm, một số là sinh viên giỏi đang theo
học năm cuối....
Ngày tiếp
ngày trôi qua, cuốn sổ đăng ký xin làm gia sư đã kín chỗ, họ đều là sinh
viên đến từ các trường của Hà Nội, cao đẳng có, đại học có, trường ít
tên tuổi thì nhiều mà sinh viên tiếng tăm thì hầu như chẳng có.
Thậm chí có
người ngọng líu ngọng lô mà vẫn đăng ký được làm gia sư dạy tiếng Anh,
tiếng Việt với yêu cầu được làm cho các gia đình người Hà Nội, có giọng
chuẩn.
Tuy nhiên
để giữ uy tín, chúng tôi chỉ chọn những bạn hình thức khá, học trường có
tiếng một chút. Chất lượng dạy thế nào thì còn tùy gia đình xem xét.
Để được đi
dạy thêm, kèm thêm, các bạn trúng tuyển phải nộp một khoản nhỏ khoảng 10
- 20.000 đồng gọi là “phí đăng ký”, cũng có thể hiểu như phí giữ chỗ.
Không biết là có được gọi đi làm hay không, tuy nhiên đã đăng ký là phải
nộp phí.
Sau khi tìm
được gia sư phù hợp với yêu cầu của khách hàng, nhiệm vụ của chúng tôi
là đưa gia sư đến để gia đình xem mặt. Hầu như các gia đình đều muốn gia
sư cho con em mình phải là sinh viên trường Sư phạm. Thế nên, chúng tôi
phải dặn trước các bạn phải nhận mình là sinh viên Sư phạm, cho dù họ
đang học tại một trường cao đẳng nào đó.
Có gia đình
cẩn thận hơn, yêu cầu phải có gia sư đã tốt nghiệp đại học, vậy là
trong một số trường hợp, gia sư của chúng tôi cũng được gắn mác thầy cô
giáo.
Công việc
của chúng tôi đến thế là xong, tuy nhiên với các gia sư thì chưa. Sau
một thời gian dạy, có người không hợp "gu", bị gia đình sa thải giữa
chừng, họ sẽ bị mất 20% trong số tiền nửa tháng lương đã được đặt cọc
tại Trung tâm, với lý do “bồi thường cho việc làm tổn hại thương hiệu
của trung tâm”.
Trường hợp
gia đình cho gia sư nghỉ ngay sau 2 - 3 buổi dạy thì gia sư sẽ mất hết
khoản tiền đặt trước. Tất cả các thoả thuận giữa Trung tâm và gia sư
được ghi khá mập mờ trong hợp đồng. Và hiển nhiên người chịu thiệt là
chính các bạn sinh viên.
Bỏ cuộc...
Kiếm cũng
được tiền đấy, song cũng đến lúc mệt mỏi vì suốt ngày bốc máy điện
thoại, ba hoa những điều không có thực. Rồi còn vì những lý do này, lý
do khác, tôi tính đến chuyện bỏ cuộc.
Một hôm,
được giao nhiệm vụ dẫn gia sư đến gặp khách hàng. Tôi gọi ngay cho một
bạn sinh viên năm thứ 2 của một trường không mấy tên tuổi mặc dù yêu cầu
của gia đình này đối với gia sư phải là giáo viên tiểu học đã tốt
nghiệp trường sư phạm.
Đến khi
bước vào nhà, tôi mới tá hỏa khi nhận ra chủ nhà là người quen của bố.
Ngượng chín người, tôi cúi gằm mặt. Dĩ nhiên gia sư này vẫn được nhận,
nhưng bị sa thải ngay sau 2 buổi dạy thử. Còn tôi cho đến tận bây giờ
vẫn cảm thấy xấu hổ mỗi lần gặp lại bác ấy.
Sau đó ít
lâu, Trung tâm của chúng tôi cũng đóng cửa. Giờ thì tôi đã tìm được một
công việc phù hợp hơn với khả năng, thời gian và quan trọng hơn là không
mang cảm giác dằn vặt khi lừa chính những bạn bè, người quen của mình.
Kể lại câu
chuyện này nhân mùa khai giảng năm học mới, tôi muốn nhắn gửi tới các
gia đình hãy cân nhắc, thận trọng trước khi tìm đến các trung tâm gia
sư, với các bạn sinh viên muốn làm gia sư nghiêm túc cũng vậy. Hãy đặt
niền tin vào các trung tâm đàng hoàng, có tên tuổi, tránh trường hợp bị
trung tâm gia sư “ma” lừa phỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét