Thường xuất hiện dưới vai trò “ông cố vấn” của Chương trình SV96, Đường lên đỉnh Olympia... nhà sử học Lê Văn Lan từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết, giải đáp những thắc mắc về kiến thức lịch sử của giới HS SV.
Tuy nhiên, với ông, con đường để trở thành một học giả như bây giờ không chỉ là những ngày dài mài đũng quần trên giảng đường.
Học hành theo lối tài tử
Chúng
tôi tìm tới nhà ông vào một buổi tối mưa khá to. “Người của công chúng”
ở tầng hai của khu nhà số 1 Nguyễn Văn Tố, ngay cạnh chợ Hàng Da. Phải
hỏi han một lúc, chúng tôi mới tìm được vào nhà ông. “Nhà” rất chật,
càng chật chội hơn khi chỗ nào cũng chật ních sách.
Chẳng
hiểu có phải do đặc thù của nghề nghiệp, luôn lưu giữ những kí ức về
thời đã qua mà đến tận bây giờ, GS Sử học Lê Văn Lan còn giữ được cuốn
“Thông tín bạ” từ thuở học cấp 2, cấp 3 dưới mái trường Chu Văn An. Cuốn
sổ giấy đã ố vàng sau nửa thế kỷ tồn tại nhưng vẫn còn rất rõ nét chữ.
Vào những năm 1949- 1950, cậu học trò Lê Văn Lan đang học năm đầu tiên
của Đệ nhất cấp (cấp 2). Đệ nhất cấp thời bấy giờ có bốn lớp: đệ thất,
đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Xuất phát điểm của nhà sử học không để lại ấn
tượng gì đối với thầy giáo và bạn bè. Học kì I của lớp đệ thất (Đệ nhất
bán niên khảo hạnh), điểm môn Sử chỉ xếp thứ 25/50 học sinh của lớp cùng
với lời phê của thầy chủ nhiệm là “Trung bình”.
Tuy
nhiên, đến học kì II (Đệ nhị bán niên khảo hạnh), thầy giáo và các bạn
cùng lớp không khỏi ngỡ ngàng về sức bật của cậu học trò họ Lê: Xếp thứ
nhất lớp về môn Sử, đồng thời cũng đứng nhất lớp môn Sinh ngữ, Địa dư,
Âm nhạc... và do vậy cả năm học đệ thất, xếp thứ nhất.
Lên
cấp 3, xuất phát điểm của trò Văn Lan cũng lại vậy, bao giờ thầy giáo
cũng phê là: thường- khá vậy- cũng khá. Một kỷ niệm thủa học trò mà “ông
cố vấn” còn nhớ mãi về người thầy dạy sử của mình, giáo sư Nguyễn Tường
Phượng (thuộc nhóm Tri tân Thanh nghị) khi bị thầy gọi lên bảng và trả
lời không được. Người thầy đã nói: “Cậu Lan, cậu học sử như thế này thì
thành sử bò(*) mất thôi”.
Ông
Lan bồi hồi: “Thuở đó, lớp thanh thiếu niên chúng tôi học không bị gò
ép nhiều, áp lực học hành không nặng như bây giờ. Thường thì mọi người
có ý thức tự học là chính. Tôi vẫn luôn quan niệm, học có rất nhiều
cách, không phải cứ lên lớp ghi chép lời thầy đầy đủ mới là học”.
Coi
thường môn Sử ở lớp là vậy, nhưng ở nhà cậu học trò Lê Văn Lan có hẳn
một kho sách sử kinh điển mà bất cứ thầy dạy sử và người yêu sử nào cũng
phải mơ ước. Những năm 50, trong các trường học chưa dạy môn Triết,
nhưng họ Lê kia lại yêu môn học có tính suy luận và đòi hỏi mạch tư duy
này đến lạ kì. Tìm đọc rất nhiều bản gốc của các triết gia Lão Tử, Khổng
Tử, Đề-các, Hê-ghen... rồi so sánh, thắc mắc và đánh giá. Chính những
điều này đã dần hình thành nên “ông cố vấn” Lê Văn Lan của rất nhiều
chương trình liên quan đến Lịch sử ngày hôm nay.
(*) Sử bò đọc ngược là bỏ xừ, ý chỉ học hành kém.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét