Nhiều sinh viên đã chọn việc làm thêm ca đêm để giảm bớt gánh nặng tài chính trong cuộc sống. Dù vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng những ca làm đêm của họ vẫn lấp lánh những sắc màu của đời sống sinh viên.
Chạy xe ôm, nuôi ước mơ
Hơn 4 tháng trước, sau nhiều ngày kiếm việc làm thêm nhưng đều thất bại, Tuấn Anh đã đánh liều mang xe máy từ quê xuống để đi làm xe ôm ban đêm. Một ngày làm việc của cậu không giống như những xe ôm chuyên nghiệp khác, bởi nó được bắt đầu từ 19h30 và kết thúc vào khoảng 0h, khi thành phố đã hoàn toàn yên ắng.
Ban đầu, khi mới chạy xe, Tuấn Anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm địa bàn. Đã thử "đứng" hơn 30 điểm quanh Hà Nội nhưng cậu đều bị các "ma cũ" đuổi đi, vì "tội" nói thật là sinh viên. Một lần, khi đi tới khu cổng làng Đình Thôn, "bến" hiện tại của cậu, Tuấn Anh tìm lý do khẩn thiết hơn: Có vợ sắp đẻ nên tranh thủ ra đây chạy vài cuốc kiếm tiền mua sữa cho con. Cùng cảnh kiếm tiền nuôi con, nuôi vợ, cánh xe ôm khu vực này không nỡ đuổi Tuấn Anh đi.
Thời gian đi làm, Tuấn Anh đã học được rất nhiều điều từ cuộc sống lúc về đêm. Tuấn Anh còn gặp cả những trường hợp sinh viên như mình những lúc hết tiền, không có nổi 3.000 đồng để đi xe buýt. Vì thế mà cậu đã chở miễn phí cho rất nhiều bạn sinh viên gặp hoàn cảnh éo le.
Kỷ niệm khiến Tuấn Anh nhớ nhất, đó là một hôm, chỉ kiếm được 20.000 đồng mà đổ xăng mất 70.000 đồng, cậu đã chở xe miễn phí cho một bạn bị móc ví ở bến xe Hà Đông, rồi lại thương tình, chở một bạn từ bến xe Mỹ Đình về Nhổn.
Thấy vẫn còn sớm, cậu tiếp tục quay lại Đình Thôn đón khách, trên đường đi gặp một cậu tân sinh viên vừa lỡ chuyến xe buýt vẫn còn lang thang trên đường Phạm Hùng và Tuấn Anh lại mủi lòng đưa người đó về nhà trọ.
Làm ca đêm với giá 20.000 đồng/giờ
Trần Thị Vân (K54, Thông tin thư viện, trường ĐH KHXH& NV, ĐHQG Hà Nội) lại chọn việc làm thêm ít nguy hiểm hơn: In ấn, photo, đánh máy và sửa bài, bắt đầu từ 22h tới 4h sáng hôm sau.
"Mình chọn việc này bởi nó rất gần với ngành học của
mình về thông tin, có cơ hội tìm hiểu thêm về các kiến thức Văn học,
Ngoại ngữ, Lịch sử do khách hàng gửi tới in. Cửa hàng có hơn 10 nhân
viên nhưng chỉ có mỗi mình là sinh viên. Thời gian có hơi đặc biệt và không phù hợp lắm với con gái như mình nhưng mình học được sự kiên nhẫn trong từng việc làm nhỏ và làm đêm
cũng có niềm vui riêng của nó. Khi căng thẳng thì khách hàng chính là
động lực thúc đẩy mình vì cửa hàng ở gần các trường đại học lớn nên mình
cũng có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều từ các bạn sinh viên như mình", Vân tâm sự.
Vân cho biết, ngoài mức lương 20.000 đồng/h, bạn còn
được cửa hàng thưởng thêm và có chế độ ăn đêm cũng như bố trí chỗ nghỉ
ngơi, thuận tiện hơn trong sinh hoạt và ăn ở. Mỗi khi lớp có tài liệu
học tập cần photo, Vân cũng nhận về làm với giá rất "sinh viên", giúp cả lớp.
Trong suốt thời gian làm việc tại cửa hàng photo, Vân
nhớ như in kỷ niệm về một khách hàng trên 70 tuổi, mệt mỏi đến quán, khi
Vân vừa tới làm.
Cụ bà nhờ đánh máy lại tập thơ gần 50 bài do cụ tự sáng
tác: "Quán mình rất ít khi nhận đánh máy nên không ai chịu làm giúp cụ.
Nhưng khi mình hỏi chuyện, mới biết cụ có hoàn cảnh thật éo le. Cụ vốn
là thanh niên xung phong, không biết chữ. Nhưng sau đó, cụ tự học và làm
được thơ.
Cụ đi từ Sơn Tây lên Hà Nội nộp bản thảo nhưng không
chỗ nào nhận đánh máy giúp cụ, do yêu cầu quá rắc rối. Mình còn cảm
thương hơn vì cụ đang sống cô đơn, người chồng phụ bạc bỏ đi từ lúc cụ
còn trẻ. Vì vậy, dù yêu cầu khó nhưng mình vẫn cố gắng giúp cụ" .
Vì thời gian làm việc hơi đặc biệt nên Vân luôn cố gắng để cân đối giữa việc học trên lớp và việc đi làm để có thể tự kiếm tiền trang trải cuộc sống đỡ đần cho bố mẹ ở nhà nuôi một em gái đang học cấp 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét