Chiều 17/7/2012, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khi trả lời một tờ báo điện tử, đã khẳng định: “Đáp án môn Sử đã chuẩn rồi và không cần chỉnh sửa gì nữa”.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chỉnh sửa môn Lịch sử trong kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2012, một số giáo viên cho rằng đáp án này vẫn chưa hoàn hảo. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, đã tham khảo hết ý kiến khi chỉnh sửa và không còn bất cứ thay đổi gì với đáp án này.
Không chỉnh sửa nữa
Một ngày sau khi Bộ GD&ĐT sửa đáp án sai và thừa một câu trong đề thi Lịch sử khối C, một số giáo viên Lịch sử ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã chỉ ra những bất hợp lý. Trong đó, các giáo viên này cho rằng, một số nội dung và thang điểm trong đáp án mới vẫn chưa thật chính xác và học sinh giỏi khó có thể đạt được điểm cao nếu giám khảo chấm máy móc theo đáp án của Bộ. Các câu 1, 2, 3, 4a (chương trình chuẩn), 4b (chương trình nâng cao) đều “có vấn đề”. Theo đó, các giáo viên nhận định, với những lỗi sơ suất và sai sót về đáp án này, nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh, linh hoạt trong quá trình chấm, rất nhiều thí sinh khá, giỏi sẽ khó đạt điểm cao và mất 2 - 2,5 điểm. Đáp án trên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả bài làm của thí sinh mà còn sẽ gây ra nhiều hiệu ứng và hệ lụy khác.
TS Mai Thị Phú Phương, Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Quy Nhơn) cho biết, đáp án sửa của Bộ GD&ĐT chưa ổn thỏa. Hầu hết các câu hỏi về lịch sử Việt Nam đều “có vấn đề”. Nhiều giáo viên cũng rất bức xúc nhưng cuối cùng Bộ chỉ sửa mỗi câu 4a là câu lịch sử thế giới. Vì vậy, điều mà Hội đồng chấm thi của cô Phương có thể làm bây giờ là cố gắng vận dụng linh hoạt hướng dẫn và đáp án khi chấm bài để tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nhận định: “Bộ GD&ĐT sửa ý sai trong đáp án Lịch sử khối C như thế đã ổn. Mặc dù vậy, trên phương tiện thông tin đại chúng, một số giáo viên đã chỉ ra còn nhiều câu không ổn. Tuy nhiên, có thể thông cảm với một số sai sót vì sức ép của kỳ thi quá lớn”.
Nếu Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng các cơ quan chức năng hữu quan của Bộ chịu khó truy cập internet, chịu khó nghe ngóng thông tin (đâu có thiếu ) và cố gắng thử “vi hành” vì quyền lợi của thí sinh, vì nỗi niềm của các bậc phụ huynh và nỗi lo của số đông giáo viên Sử, có lẽ chuyện đã khác rất nhiều. Rất tiếc đó chỉ là giả sử, mà lịch sử thì không nên dùng trạng từ “nếu”!
Vì quyền lợi của đa số thí sinh, vì Lịch sử vẫn luôn là một bộ môn khoa học đòi hỏi sự chính xác, đa số giáo viên dạy Sử chúng tôi vẫn tái khẳng định: Đáp án môn Sử thi Đại học lần 2 mà Bộ đã điều chỉnh vẫn không chuẩn và rất nhiều thí sinh vẫn bị mất điểm vì đáp án đó. Từ khoa cử thời phong kiến đến thi tuyển sinh thời nay, việc phải sửa đổi đáp án đến lần thứ 2 đâu đã có tiền lệ. Và chúng tôi vẫn khó tin là Bộ sẽ công bố đáp án môn Sử lần thứ 3, dẫu biết rằng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”!
Đến thời điểm này, một số trường đại học đã và đang chấm khẩn trương (thậm chí có Hội đồng chấm thi còn chấm cả buổi tối từ 19h30), nhiều Hội đồng chấm thi đã hoàn thành việc chấm bài môn Lịch sử. Chúng tôi thiết nghĩ, Ban đề thi của Bộ dù “đã nghiên cứu rất kỹ” (theo lời của Thứ trưởng Bùi Văn Ga), nhưng chỉ với số ít các chuyên gia và chỉ rất ít với các giáo viên dạy Sử, chúng tôi vẫn khẳng định: Đa số giáo viên dạy Sử ở bậc THPT trên toàn quốc không tán thành với lời khẳng định của Thứ trưởng về đáp án lần 2 của Bộ là “chuẩn rồi và không cần chỉnh gì nữa”!
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được của rất nhiều (số đông) giáo viên dạy Sử cốt cán của các trường chuyên, vấn đề “sự cố đáp án môn Sử” sẽ được họ trao đổi một cách thẳng thắn, tranh luận một cách cởi mở, góp ý một cách chân thành với Bộ GD&ĐT trong Hội nghị tập huấn giáo viên cốt cán trường chuyên tại Đà Lạt từ ngày 30/7 đến 4/8/2012 sắp tới. Dù rằng, đến thời điểm đó thì mọi việc liên quan đến môn Sử coi như “việc đã rồi”, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm và nhiều thí sinh đều được đón nhận và phải chấp nhận kết quả môn Sử có thể với nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn không giống nhau.
Vừa hoàn thành kỳ thi Đại học khối C vào Học viện An ninh, Đào Phương Bình (12 Sử, THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) khá hoang mang vì đáp án Lịch sử của Bộ GD&ĐT sửa lại vẫn chưa hợp lý. Phương Bình cho rằng đáp án câu 4a sửa lại của Bộ Giáo dục khiến cho em bị mất ít nhất 0,5 điểm và Bộ nên linh hoạt trong đáp án ở câu 2.
"Em thật sự xin lỗi nếu nói với Bộ, với các giáo sư rằng đáp án Sử được đưa ra chưa hợp lý. Vì em cũng là học sinh, còn các thầy cô đều là những người có kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng việc đáp án thiếu, chưa hợp lý gây thiệt thòi và hoang mang cho bọn em”, Bình tâm sự.
Thứ nhất, ở câu 1 của đề thi mang tính đánh đố, bởi vì hỏi tác động nhưng đáp án lại trình bày cả các chính sách. Về cách hỏi thì đúng là chưa hợp lí. Có thể Bộ GD&ĐT sơ suất trong cách ra đề. Về vấn đề này, Bình lý giải rằng: “Ở 1 kì thi đại học, với 1 câu chỉ hỏi tác động như vậy, sách giáo khoa chỉ ghi vài dòng, mà đề đại học cho 2 điểm nên em nghĩ đáp án trình bày cả chính sách là có thể chấp nhận được. Nhưng còn về tác động tích cực thì phải có, vì đây là hỏi chung, nên phải trình bày cả tích cực và tiêu cực.
Thứ hai, ở câu thứ 2 là câu chia giai đoạn, thì đáp án nên linh hoạt hơn. Bởi nếu hỏi chia như sách giáo khoa thì có thể chia như đáp án, nhưng rõ ràng câu hỏi chung thì sẽ phải có nhiều cách chia. Ví dụ thời kỳ 1919-1945, 1945-1975, 1975-2000. Hoặc nếu tách ra 1945-1954, 1954-1975 cũng đúng vì nó là 2 cuộc kháng chiến; hay gộp 1945-1975 cũng được vì nó là công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
“Vì vậy, em nghĩ câu 2 chắc chắn phải cần đáp án mở, vì ý đó những 0,5 điểm. Và ở ý 2, cơ sở của việc đề ra kế hoạch vào cuối tháng 3/1975 thì không nên có ý vào hội nghị Bộ chính trị và hội nghị mở rộng cuối năm 1975 vì nó không liên quan đến nhau”, Bình hy vọng.
Thứ 3, ở phần 4a câu 4, Bộ GD&ĐT có sửa là bỏ ý đấu tranh theo mùa, điều đó khiến Bình và nhiều bạn mất 0.5 điểm vì “làm thừa đáp án của Bộ”.
“Em nghĩ đó là ý thể hiện sự tiến bộ trong đối ngoại. Với lại giai đoạn từ 1947-1952 có 2 ý, mỗi ý 0,5 điểm em thấy không hợp lí bởi 1 câu Nhật đặt dưới ô bảo hộ hạt nhân mà được những 0,5 điểm, vậy còn ý việc Nhật cam kết không can thiệp, sử dụng vũ trang đe dọa các nước khác thì sao?”, Bình thắc mắc.
Đánh giá về đề thi cũng như đáp án Sử năm nay, Bình thẳng thắn nói: “Bọn em nghĩ rằng phải có câu so sánh hay nhận định để đòi hỏi kỹ năng, phân loại thí sinh trong kỳ thi đại học. Nhưng đề chỉ ra trình bày với kiến thức cơ bản thôi. Đa số bọn em đều hụt hẫng vì đáp án, thất vọng nhất là ý chia ở câu 4a. Nếu tính theo đáp án thì may ra em được 8.5 – 9 điểm. Bọn em cũng đang hơi hoang mang. Em mong Bộ GD&ĐT có thể tiếp thu và sửa những ý kiến mà các thầy cô và em đã kiến nghị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét