Cũng chính thế mà nhu cầu về gia sư trở nên cần thiết hơn. Nhưng
còn về chất lượng cụ thể thế nào thì không ai đong đếm được và dường như
còn khá mập mờ.
Chất lượng gia sư thế nào cũng khó mà biết được
(ảnh minh họa)
Sự thật chất lượng gia sư Hiện nay vẫn có nhiều hình thức chiêu mộ gia sư như tìm gia sư qua trung tâm giới thiệu gia sư, tìm gia sư qua mạng internet… thậm chí cả tìm gia sư theo số điện thoại dán ở các dãy tường nơi công cộng. Nhưng thực chất, chất lượng gia sư thế nào thì còn phải bàn nhiều.
Là sinh viên ở quê ra Hà Nội học, Ngọc (sinh viên năm thứ nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền) muốn tìm một công việc để có thêm thu nhập đỡ cho gia đình. Và gia sư là công việc phù hợp với con gái nên cô đã lựa chọn. Nghe bạn bè giới thiệu Ngọc qua một trung tâm gia sư (trên đường Nguyễn Khánh Toàn) để nhờ giới thiệu. Sau khi thỏa thuận tiền lương, các môn học sẽ dạy cùng với khoản đặt cọc là 40% tiền lương tháng đầu (với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng), cô đồng ý và về nhà đợi điện thoại của trung tâm.
Hai ngày sau, Ngọc nhận được điện thoại, cô vội vàng đến để người của trung tâm dẫn tới nhà gia đình học sinh và kèm thêm một vài cam kết miệng khác: “khi em đến gặp gia đình học sinh, nếu họ hỏi học năm thứ mấy, học ở đâu thì phải nói là mình đang học năm thứ 3, Đại học Sư phạm Hà Nội nhé. Học sư phạm sẽ thuyết phục được họ hơn vì mình đã có kĩ năng dạy”. Thực sự Ngọc không muốn nói dối, song vì đã nộp tiền đặt cọc rồi, không thể rút ra được nên cô đành chấp nhận.
Nhưng chưa dừng ở đó. Khi đến gặp mặt gia đình học sinh, sau khi
hỏi qua loa về trường đại học mà cô đang học và là sinh viên năm thứ
mấy, mẹ của học sinh cho biết luôn mục đích của mình: “Chị bận đi dạy,
không kèm được cho 2 cháu nhà chị, mà môn tiếng Anh của cháu còn nhiều
chỗ hổng. Vì vậy chị muốn em kèm cho cháu thêm để tiếng Anh cơ bản của
cháu được tốt hơn”.
Ngọc hết sức bất ngờ không biết phía trung tâm đã nói gì với bố mẹ
của học sinh, vì trong hợp đồng với trung tâm cô không được biết là sẽ
dạy ngoại ngữ, mà trình độ ngoại ngữ của cô lại không tốt lắm. Nhưng
nghĩ chắc chỉ dạy học sinh lớp hai cũng đơn giản nên cô đành “nhắm mắt
làm liều”. Và cứ thế Ngọc đi dạy với vai trò là một sinh viên sư phạm
học năm thứ 3 - điều mà bố mẹ học sinh vì quá tin tưởng trung tâm
nên không hề biết được sự thực.
Không dễ “qua mặt” các bậc phụ huynh học sinh như Ngọc. Quỳnh, sinh
viên Cao đẳng Du lịch (năm 2) cũng phải thỏa thuận với trung tâm gia sư
với cái “mác” là sinh viên sư phạm đến dạy môn toán lớp 8. Nhưng không
trót lọt như Ngọc, khi đến gặp mặt gia đình lần đầu, bố mẹ của học sinh
đã khá cẩn thận trong việc tìm hiểu gia sư. Họ hỏi thăm đôi điều về các
nhân vật kì cựu trong trường như thầy Hiệu trưởng tên gì, giảng viên bộ
môn văn học thế giới là ai, các hoạt động thường niên của trường...Với mức độ thông tin ngoài khả năng của cô được trang bị trước khi gặp mặt lần đầu, nên cuối cùng vì sợ lộ, vì không muốn nói dối, Quỳnh đành quay lại trung tâm “thương lượng” để không phải tiếp tục làm gia sư nữa. Nhưng lúc này trung tâm gia sư chỉ hoàn lại cho cô 2/3 số tiền đặt cọc, số còn lại gọi là “phí dịch vụ” (?)
Ngoài ra, cũng có nhiều cô, cậu gia sư khi được trung tâm giới
thiệu tới dạy học sinh tiểu học, dù nói dối trót lọt nhưng sau đó vẫn
phải bỏ cuộc vì không đáp ứng được những điều kiện cần thiết cho việc
giảng dạy.
Nhung (sinh viên Đại học Văn Hóa) đang dạy cho một cậu học sinh lớp
3 ở Đường Láng. Dù rất yên tâm với kiến thức toán, văn đơn giản của
chương trình tiểu học, nhưng cô lại lùi bước trước các kĩ năng viết
chính tả của học sinh - điều mà lâu rồi cô không để ý. Viết sao cho đúng
nét, đúng cỡ chữ, viết nét thanh, nét đậm, chữ in hoa, in thường, viết
bao nhiêu ô li… Điều này không phải dễ, nếu không phải học sư phạm chắc
chắn Nhung cũng như nhiều gia sư không thể biết được.
Chất lượng “rởm” lên tiếngTrên thực tế, hiện nay các hoạt động của trung tâm gia sư phần lớn còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến việc nhiều trung tâm gia sư vì lợi nhuận cá nhân mà không quan tâm tới chất lượng gia sư, không đảm bảo được các kĩ năng cần thiết cho những người làm công việc gia sư. Thậm chí dưới danh nghĩa là trung tâm gia sư, họ trở thành những kẻ lừa đảo.
Về phía gia sư, chính những yêu cầu khắt khe như trường hợp
bạn Nhung gặp phải, là cơ hội để nhiều bậc phụ huynh phát hiện được “cô
giáo” của con mình không đảm bảo chất lượng. Khi đó để tiếp tục được dạy
học cho con em họ là rất khó. Nhưng lúc này, những “cô giáo”, “thầy
giáo” tại gia không thể quay lại trung tâm để đòi “bình đẳng”, nói
chuyện phải trái với trung tâm, mà đành cắn răng chịu cảnh “tiền mất,
tật mang”.
Hoặc như Quỳnh cho dù cho vượt qua được thử thách của ngày đầu gặp
mặt, nhưng liệu những ngày sau cô có thể dạy được không khi nỗi lo bị
phát hiện sự thật mình không học sư phạm cứ canh cánh trong lòng, và
cuối cùng lại đành chịu mất 1/3 số tiền đặt cọc để lấy lại sự trung
thực.
Với những bậc phụ huynh và học sinh, chắc chắn không phải ai cũng
cẩn thận tìm hiểu về gia sư của con mình. Nhiều người quá bận rộn, không
có thời gian trong việc tuyển chọn gia sư, họ phó thác nhiệm vụ này cho
trung tâm, và rất có thể họ gặp phải những gia sư như Ngọc. Và nếu như
vậy, liệu con của họ có thể “có kiến thức tiếng Anh cơ bản được tốt
hơn”?
Vì vậy, có lẽ cũng nên có những lời cảnh báo để các bậc phụ huynh
cẩn thận hơn trong việc tìm hiểu cũng như bổ sung những kinh nghiệm
trong việc tìm kiếm gia sư cho con mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét