Tuy chỉ bắt đầu gần 3 năm nay, nhưng nghề gia sư qua mạng đang thật sự "hái ra tiền" cho Ấn Độ...
Cậu học sinh trung học Princeton John ở thành phố Chicago, bang Illinois
(Mỹ) ngồi trước màn hình máy vi tính với bộ tai nghe và micro để chuẩn
bị làm bài tập môn hình học. Chỉ với cú "click" chuột vào phần mềm kết
nối qua Internet, Princeton đã thấy mặt gia sư
của mình - cô Koyamburath Namitha lúc này đang ngồi chờ sẵn trong căn
phòng nhỏ tại vùng ngoại ô Ấn Độ cách đó hơn 7.000 dặm.
Hai
cô trò nhanh chóng bắt đầu buổi học bằng các công cụ hỗ trợ như: voice
chat, bàn phím và loại bút kỹ thuật số đặc biệt để giải các bài toán, vẽ
đồ thị và xóa những lỗi sai. Princeton còn dùng
máy scan để gửi bản photo phần bài tập hay phần bài học chưa hiểu để nhờ
cô giáo giải thích. Thỉnh thoảng hai cô trò gặp một số trục trặc nhỏ
như Princeton phải lặp đi lặp lại nhiều lần câu
hỏi vì Namitha không nghe rõ hay máy vi tính bị đứng do sử dụng lâu. "Em
sẽ nói cha thay máy mới vì máy này cũ rồi..." - Princeton nói.
Kết thúc buổi học, Namitha dặn dò bài tập và chuẩn bị cho buổi học sau. Cạnh đó, cô em gái của Princeton,
Priscella cũng đang làm bài tập môn đại số. Gần 2 năm nay, mỗi tuần,
hai anh em Princeton gặp cô giáo Namitha 2 lần để được kèm môn toán.
Không
chỉ riêng hai anh em Princeton, hàng ngàn học sinh trung học khác trên
đất Mỹ cũng ưa chuộng và tìm cho mình những gia sư qua mạng đến từ Ấn
Độ. "Ấn Độ có nhiều giáo viên giỏi, nhất là ở môn toán và môn khoa học,
hơn nữa những môn này không bó buộc về văn hóa nên cũng dễ dàng cho
người dạy. Gia sư điện tử đang là ngành nhiều tiềm năng phát triển",
Kirab Karnik, đứng đầu Hiệp hội quốc gia các công ty dịch vụ và phần mềm
Ấn Độ cho biết.
Tuy chỉ bắt
đầu gần 3 năm nay, nhưng nghề gia sư qua mạng đang thật sự "hái ra
tiền" cho Ấn Độ. Ước tính năm ngoái, các công ty cung cấp dịch vụ gia sư
qua mạng của Ấn Độ đã đem về gần 10 triệu đô la, trong đó có 80% đến từ
Mỹ.
Nếu
so với thù lao 40-100 đô la một giờ khi thuê gia sư ở Mỹ thì con số
15-20 đô la một giờ cho gia sư điện tử quả là hấp dẫn nhiều phụ huynh và
học sinh. Vì
với số tiền chi ít hơn nhưng chất lượng vẫn được bảo đảm. Nhất là nhờ
điều luật mang tên No Child Left Behind được áp dụng, yêu cầu các trường
mỗi năm phải kiểm tra kiến thức toán học và khả năng đọc của học sinh
từ lớp 3 đến lớp 8 đã giúp nghề gia sư tại Mỹ ăn nên làm ra.
Tuy
nhiên, dịch vụ gia sư điện tử không hoàn toàn nhận được ủng hộ tại Mỹ
khi có ý kiến cho rằng học qua mạng sẽ hạn chế sự tương tác trực tiếp
giữa giáo viên và học sinh, cũng như không phải học sinh nào cũng tiếp
cận được với Internet tại nhà. Song dù sao, những phụ huynh như bà
Bessy, mẹ của anh em Princeton lại tỏ ra hài lòng khi các con mình luôn đạt điểm cao môn toán từ khi học với gia sư qua mạng.
Còn với Princeton
thì: "Nhờ cô Namitha nên môn toán bây giờ đã "dễ nuốt" hơn. Hơn nữa,
khi có dịp em còn tranh thủ trò chuyện với cô qua màn hình video". Rồi
cậu tiếp lời: "Em vẫn thích học qua mạng với cô giáo vì nếu có lỡ cãi
lời thì cô cũng chẳng phạt em được. Cách này ít ra cũng tốt hơn". Princeton cười lém lỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét