Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Tốt nghiệp Đại học loại khá vẫn đi... quét rác

Khốn khổ chờ việc



Ra trường, tìm được công việc ổn định để thoát khỏi cảnh ăn bám gia đình là niềm mong mỏi của rất nhiều sinh viên. Nhưng trong hoàn cảnh giá cả leo thang, để tìm được một công việc có mức thu nhập vừa tầm có thể tự trang trải cuộc sống ở một thành phố có mức sống khá cao như Hà Nội không phải chuyện dễ.

Nhiều bạn sinh viên vừa ra trường rơi vào hoàn cảnh "về quê chẳng đành ở lại cũng không xong" khi giá cả cứ tăng ùn ùn mà vẫn chưa kiếm được việc làm.



Tốt nghiệp loại khá chuyên ngành kế toán của một trường Đại học khá danh tiếng ở quận Cầu Giấy, Hoàng Lam tin rằng mình có thể tìm được một công việc ổn định ở Hà Nội. Thế nhưng, bốn tháng sau khi ra trường Lam vẫn chưa tìm được việc làm dù đã gửi hồ sơ đi khắp nơi.
Không phải ai cũng kiếm được việc làm tốt ngay khi vừa ra trường - (Ảnh KT)


Bố mẹ ở quê đều là nông dân, chắt bóp đủ đường mới lo cho Lam học xong Đại học. Cả nhà đặt hi vọng vào Lam, rằng tấm bằng Đại học sẽ giúp Lam tìm được công việc tốt để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế nên khi Lam vừa ra trường, mọi người ở quê ai cũng phấn khởi.



Quyết tâm ở lại thành phố nên Lam phải nói dối gia đình đã tìm được việc làm ngay khi vừa ra trường để bố mẹ không phải lo lắng. Đến tháng sau, Lam không dám xin tiền bố mẹ nữa. Cũng may là Lam vẫn duy trì việc gia sư nên vẫn có thu nhập. Nhưng giá cả ngày càng leo thang, số tiền gia sư ít ỏi không đủ để Lam "cầm hơi" chờ tới ngày xin được việc.



Thế là Lam nhận quét rác thay cho một chị công nhân môi trường chuẩn bị nghỉ đẻ. Mỗi đêm 3 tiếng làm từ 23 giờ đến 2 giờ sáng, một tháng Lam kiếm thêm được 1,8 triệu đồng. Cộng với số tiền đi gia sư, chịu khó chắt bóp cũng đủ chi trả cho tiền thuê nhà và ăn uống.



Lam tâm sự: "Ở nhà mình còn 2 đứa em đi học nữa, ra trường rồi đáng ra phải gửi tiền về đỡ đần bố mẹ chứ nói gì đến việc xin thêm. Có việc làm thêm như thế là tốt rồi, đi đêm về hôm một tí nhưng mà thu nhập cũng tạm được. Chứ cái gì cũng tăng giá như thế này mà nhờ hết vào mấy đồng lương gia sư thì sao sống được".



Thân gái dặm trường không tránh khỏi những hiểm nguy rình rập. Lam không ngại thức khuya, không sợ làm việc một mình dưới màn đêm mà chỉ sợ "gặp người". "Mình không sợ ma, cũng không sợ mệt khi phải làm việc về đêm mà chỉ sợ gặp nghiện thôi. Có hôm làm việc xong về đến đầu ngõ thì gặp phải tên nghiện chặn đường. Cũng may là mình chạy được chứ không biết sẽ xảy ra chuyện gì", Lam chia sẻ.



"Chạy sô" vì đồng lương còi cọc




Ra trường và đi làm đã được hơn 1 năm nhưng mức lương của Trung Đức, nhân viên của một công ty truyền thông trên đường Nguyễn Phong Sắc vẫn chỉ dừng lại ở con số 2,5 triệu. Lúc mới đi làm thì mức lương ấy có thể chấp nhận được, nhưng ở thời điểm 'bão giá' này, đến ngày 20 hàng tháng là Đức đã phải "mặt mo" vay tiền đồng nghiệp.



Bố mẹ ở quê đã già, không thể mở miệng xin thêm "trợ cấp" từ gia đình nên Đức đành phải tìm việc làm thêm. Làm giờ hành chính ở công ty nên rất khó xin được việc trí óc làm về đêm. Đức đành xin làm phục vụ bàn ở một quán cafe cách chỗ làm hàng chục km.
Cứ 5h30 tan sở, Đức lại vội vội vàng vàng phóng xe ra quán cafe, chỉ kịp ăn sơ cua cái bánh mì lót dạ. Hôm nào về đến nhà cũng gần 12 giờ đêm.



Đức chia sẻ: "Giá cả cứ tăng vù vù mà làm một năm rồi mình vẫn chưa được tăng lương. Cứ thế này mà không kiếm việc làm thêm thì chỉ có nước vỡ nợ. Nói chung là công việc nào cũng vất vả nhưng mình còn trẻ lại là con trai nên mệt một chút vẫn chịu được".
Tất tả kiếm việc làm thêm là cách chống đỡ với bão giá khi đồng lương còi cọc (Ảnh TP)


Cũng là "dân tỉnh lẻ" lên Hà Nội thuê trọ làm việc, Bùi Tiến Quyết (nhân viên thiết kế đồ họa) cũng phải 'hộc mặt' làm thêm để chống chọi với 'bão giá'. Vừa ra trường thì Quyết được nhận ngay vào một công ty thiết kế khá lớn. Nhưng oái oăm thay công ty này lại có quy định thử việc 1 tháng không lương với người vừa ra trường chưa có kinh nghiệm.



Khó có cơ hội vào được một công ty có điều kiện tốt như thế nên Quyết phải chấp nhận 1 tháng làm việc không lương. Trong khi đó, bố mẹ vẫn gửi tiền hỗ trợ nhưng khác với hồi còn là sinh viên. Và vì là nhân viên mới nên mỗi lần đi uống cafe với đồng nghiệp Quyết đều "biết ý" trả tiền.



Biết với số tiền bố mẹ gửi chỉ "cầm hơi" được đến giữa tháng, Quyết được người bạn giới thiệu cho làm bảo vệ trực đêm ở một kí túc xá. Ngày đi làm, tối đi trực, mỗi ngày anh chỉ tranh thủ chợp mắt được 2-3 tiếng.



"Mình chưa có kinh nghiệm nên đành phải chấp nhận điều kiện của người ta thôi. Lúc đầu thức đêm cũng không quen, ngày đến công ty cứ ngáp ngắn ngáp dài. Sau rồi cũng quen dần. Cố gắng thêm hơn tháng nữa, khi có lương chắc sẽ đâu vào đấy", Quyết thở dài.



"Đúng là đi làm rồi mới biết kiếm được đồng tiền không dễ chút nào. Giờ mới thấy quý đồng tiền hơn, thương bố mẹ nhiều hơn", Quyết nói thêm.



'Bão giá' ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi nhà, mọi gia đình. Với những sinh viên tỉnh lẻ vừa ra trường, kiếm được việc làm với mức lương vừa phải vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở.

 



Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư sư phạmGia sư lýgia sư tiếng trung Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Giành lợi thế khi sớm nộp hồ sơ học bổng Nhà lãnh đạo trẻ

Chương trình “Học bổng Nhà Lãnh đạo trẻ 2012” do IDP Vietnam phối hợp cùng Trinity College Foundation Studies và The University of Melbourne dường như các bạn đã đón biết được thời gian khởi động và chuẩn bị được từ khá sớm.
Với cuộc thi này, thí sinh sẽ viết bài luận tiếng Anh 500 từ với nội dung: “Một trong những đặc tính của người lãnh đạo là khả năng ảnh hưởng tới mọi người. Nếu bạn được nói chuyện với một nhà lãnh đạo hoặc một người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến bạn, bạn sẽ chọn ai và nội dung thông điệp của bạn là gì?”.
4 học sinh giành được giải nhất sẽ nhận được 100% học bổng khóa học Nhà lãnh đạo trẻ 2 tuần tại Trinity College - University of Melbourne, Melbourne Australia và 50% giá trị học bổng dành cho 4 bạn giải nhì. Hai chiếc Ipad và Digital camera sẽ dành cho 2 bạn được giải ba và giải tư. Bên cạnh đó, sẽ có 10 phiếu mua sách dành cho các giải khuyến khích.
Mặc dù thời hạn của chương trình là 17h ngày 17/9 nhưng bạn có thể giành lợi thế với 2 điểm bonus và được bốc thăm quà may mắn của IDP khi nộp bài sớm trước ngày 30/8 (nếu nộp trước 10/9 thì sẽ được 1 điểm bonus).
Để có được bài luận như ý, bạn sẽ phải đầu tư khá nhiều thời gian và tâm huyết cho nội dung chính vì thế hãy bắt đầu ngay bây giờ nhé. Ước mơ 2 tuần tham gia khóa học Nhà lãnh đạo trẻ tại Melbourne – Úc chỉ cách bạn có 1 bài viết 500 từ mà thôi. Cố gắng lên!
Một số tips đề có bài luận thành công
Trước khi bắt đầu viết bài luận, bạn cần phải xác định ba điều quan trọng gồm: Bạn sẽ viết gì? Đối tượng đọc bài luận của bạn là ai? Bạn muốn truyền tải điều gì đến họ? Sau đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
1. Hiểu rõ chủ đề
Phân tích và hiểu rõ yêu cầu của chủ đề. Một phương pháp hiệu quả là bạn nên gạch dưới những từ ngữ quan trọng trong chủ đề nhằm xác định những ý chính mà chủ đề đang đề cập đến.
2. Trả lời chính xác câu hỏi
Đây là lời khuyên quan trọng bạn nên lưu ý. Trả lời câu hỏi sai là một sai lầm phổ biến của sinh viên. Hãy chắc chắn hiểu rõ những gì giám khảo nêu ra trong chủ đề và bạn sẽ được đánh giá cao nếu câu trả lời thật sự xoáy vào câu hỏi đó. 
3. Mở bài tốt
Mở bài nên ngắn gọn súc tích và những điểm chính được nhấn mạnh. Bạn nên làm rõ một số khái niệm trong bài viết của mình. Mở bài sẽ bị mất điểm nếu quá đi sâu vào chi tiết, rồi sau đó lập lại những lập luận này trong phần thân bài. Chúng tôi khuyến khích bạn bắt đầu trong phần mở bài với những câu văn có cấu trúc đơn giản vì điều này giúp bài luận trở nên rõ ràng hơn. 
4. Viết trước dàn bài cho bài luận
Một dàn bài cụ thể giúp bạn tập hợp được suy nghĩ của mình cũng như không quên đề cập đến những lập luận chính. Đây là cơ hội cho bạn vận dụng trí tuệ về những gì bạn biết liên quan đến chủ đề. Đừng nên đi vào chi tiết quá nhiều, hãy viết các ý chính rồi sau đó triển khai thành câu văn hoàn chỉnh trong bài luận.
5. Ba bước quan trọng trong lập luận
· Bước 1: trình bày nhận định và ý kiến của bạn.
· Bước 2: giải thích nhận định và ý kiến ấy. Đừng quên là điều bạn giải thích phải liên quan đến chủ đề
· Bước 3: xem xét và cân nhắc lại tranh luận của bạn. Đây là cơ hội để bạn thể hiện những lý lẽ trong tranh luận này là do chính bạn nghĩ ra chứ không phải sao chép hoặc ghi nhớ từ những nguồn tài liệu khác. Bước cuối này còn được gọi là “Phân tích đánh giá”, là phần khó khăn nhất nhưng cũng chính là phần cần thiết nhất để ghi điểm. 
6. Kết Luận
Nên nêu ra một cách tóm tắt các lập luận trong bài cũng như nhấn mạnh câu trả lời chính của bạn. Kết luận nên cố gắng thêm vào một số ý mới và không hoàn toàn phải lập lại những ý đã có sẵn trong bài.
7. Suy nghĩ rõ ràng và dùng từ hiệu quả
Điều quan trọng nhất là viết những gì có liên quan đến chủ đề. Mặc dù chất lượng quan trọng hơn số lượng, nhưng cũng đừng nên lúc nào cũng theo phong cách tối giản và viết càng ít càng tốt. Viết văn súc tích đòi hỏi ở bạn một suy nghĩ rõ ràng. Kể từ khi ngôn ngữ trở thành một công cụ thể hiện suy nghĩ, sự cẩu thả trong sử dụng ngôn ngữ có thể bị đánh giá như cẩu thả trong suy nghĩ. Ở một số trường hợp, sinh viên cố gắng nghĩ đến các từ ngữ phức tạp nhằm tạo nên một bài luận tốt, nhưng hãy lưu ý sử dụng chúng trong ngữ cảnh phù hợp.
8. Cách trình bày
Bạn có thể là một thiên tài, nhưng cũng đừng nên để điểm đánh giá của mình bị giảm chỉ vì những lỗi nhỏ liên quan đến chính tả hay cách canh lề. Hãy in bài luận của bạn ra giấy và kiểm tra cẩn thận vào những ngày sau. Bạn có thể ngạc nhiên trước rất nhiều lỗi nhỏ trong bài ngay cả khi bạn nghĩ bài viết của mình đã hoàn chỉnh.
9. Bạn đã trả lời câu hỏi chính của chủ đề chưa?
Đọc lại bài viết thật nhiều lần để xác định bạn đã tập trung và trả lời câu hỏi mà chủ đề nêu ra.
Lưu ý: Không đạo văn. Hãy thêm dấu ngoặc kép trích dẫn vào những đoạn bạn thu thập từ các nguồn tài liệu. Đừng nên sao chép bài của người khác rồi sau đó thêm một số từ để trở thành bài viết của mình. Đây là hành động gian lận và bạn sẽ bị đình chỉ tham gia cuộc thi này.
Thông tin trên được trích từ các nguồn:
http://www.lifehack.org
 http://www.howtowriteanessay.com/
http://www.studentnow.com/
http://www.internationalstudent.com/



Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư sư phạmGia sư lýgia sư tiếng trung Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

57% sinh viên sư phạm không biết kềm chế cơn giận

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu - Phó trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư phạm Huế - bày tỏ ý kiến giáo viên hiện nay thiếu trầm trọng kỹ năng mềm và chính điều này góp phần làm giảm sút chất lượng giáo dục
Đó là một vài số liệu thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM) cung cấp tại hội thảo khoa học "Kỹ năng mềm của sinh viên sư phạm" do bộ môn tâm lý học - khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 23/8.

Những con số "biết nói"

Câu chuyện đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nói chung vẫn đang được cộng đồng quan tâm khi còn đó chuyện doanh nghiệp phải đào tạo lại con người hay bạn trẻ chật vật tìm việc vì thiếu kỹ năng. Riêng với sinh viên sư phạm, câu chuyện đào tạo kỹ năng mềm như có phần "nóng" hơn vì chính đội ngũ này có sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai.

Thiếu kỹ năng mềm, giáo viên trẻ sẽ gặp khó khăn khi hợp tác với đồng nghiệp, không năng động, thiếu bản lĩnh, không biết kiềm chế cảm xúc, từ đó có thể gây hậu quả đáng tiếc.

Một con số đáng chú ý nữa là chỉ 53,2% sinh viên sư phạm hiểu đúng, hiểu đầy đủ bản chất của khái niệm kỹ năng mềm dù phần lớn đánh giá kỹ năng mềm là cần thiết. Kết luận chung từ nghiên cứu là kỹ năng mềm của sinh viên sư phạm chỉ ở mức... trung bình.

59,9% sinh viên sư phạm được khảo sát cho biết khó khăn lớn nhất khi làm việc nhóm là trình bày trước nhóm.

52,3% thường cho rằng ý tưởng của mình đúng nên tìm mọi cách bảo vệ.

49,9% không biết cách giải quyết khi nhóm có mâu thuẫn.

Các số liệu thu được từ kết quả nghiên cứu tiến hành trên 1.089 sinh viên hệ chính quy các trường sư phạm (ĐH Sư phạm TP.HCM, khoa sư phạm ĐH Đồng Tháp, khoa Sư phạm ĐH Tiền Giang, khoa sư phạm ĐH Thủ Dầu Một).

Nội dung này thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Phát triển kỹ năng mềm của sinh viên các trường đại học sư phạm" do TS Huỳnh Văn Sơn, trưởng bộ môn Tâm lý học - khoa Tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM và các cộng sự thực hiện.

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu - Phó trưởng Khoa tâm lý ĐH Sư phạm Huế - nhận định giáo viên hiện nay thiếu trầm trọng kỹ năng mềm và chính điều này góp phần làm giảm sút chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, ông đặc biệt lưu ý việc quan tâm đến mối quan hệ giữa năng mềm và kỹ năng sư phạm, sự tham gia của kỹ năng mềm trong việc phát triển kỹ năng sư phạm.

Sinh viên còn "bao biện" khi thiếu kỹ năng

Làm sao đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên sư phạm không hề là câu hỏi đơn giản. Tiến sĩ Trần Văn Hiếu nêu khó khăn về vấn đề thời gian, khi quỹ thời gian cho học chuyên môn còn chưa đủ thì làm sao dạy kỹ năng mềm?

Bên cạnh đó, một số giảng viên còn lo lắng về việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng mềm như một nội dung chuyên biệt. Nên đưa kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa hay là môn tự chọn tự do, hoặc chỉ là hoạt động ngoại khóa?
Hoạt động cộng đồng là một trong những cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm. Trong ảnh: sinh viên dạy học ở chùa Diên Thọ (quận 12, TP.HCM) trong Mùa hè xanh 2012  (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ Đào Thị Duy Duyên - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - gợi ý: "Nên có chương trình đào tạo kỹ năng mềm và đưa vào môn tự chọn tự do. Bên cạnh đó, giảng viên phải yêu cầu cao đối với sinh viên để sinh viên phải sử dụng các kỹ năng mềm trong quá trình học tập và giảng viên đóng vai trò giám sát. Bên cạnh đó, sinh viên cần được cấp bộ tài liệu kỹ năng mềm đặc trưng, tương thích với ngành sư phạm".

Học viên cao học Mai Mỹ Hạnh - thành viên nhóm thực hiện nghiên cứu - nêu một kết quả đáng suy nghĩ: "Trong ba nhóm biện pháp thuộc về bản thân sinh viên, nhà trường và xã hội; sinh viên sư phạm cho rằng những biện pháp thuộc về nhà trường là quan trọng nhất, sau đó là những biện pháp thuộc về xã hội rồi mới đến những biện pháp liên quan đến bản thân. Nhận thức này có phần chưa đúng và thể hiện sự bị động, bao biện khi lẽ ra chính sinh viên phải chủ động tích lũy kỹ năng mềm".

Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư ngoại thươngGia sư toángia sư tiếng pháp Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

Những teen Việt thu nhập 'khủng' từ việc làm thêm

Giáo viên dạy dancesport từ tuổi 16 - Chu Quỳnh Trang
Sinh năm 1994, Trang hiện đang là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa - Hà Nội). Cô bạn đa tài này từng làm diễn viên, MC, nhảy aerobic, dancesport rồi biên đạo múa... 16 tuổi, Trang đã là giáo viên dạy dancesport với thu nhập 12 triệu đồng/ tháng.
Teen Việt thu nhập 'khủng' từ việc làm thêm
16 tuổi, Trang đã là giáo viên dạy dancesport với thu nhập 12 triệu đồng/ tháng
Trang học múa từ năm 3 tuổi, sau đó tham gia Câu lạc bộ Họa Mi. Sau đó Trang cùng các bạn trong đội aerobic quận Hai Bà Trưng đi thi rất nhiều giải và đạt nhiều huy chương vàng. Đến năm 2006, Trang mới bắt đầu chuyển sang học dancesport khi câu lạc bộ Họa Mi mở lớp đầu tiên dạy khiêu vũ thể thao.
Hè năm đó Trang đi thi và đạt 2 huy chương Vàng giải Khiêu vũ thể thao. Tiếp đó là Huy chương Vàng giải Vô địch quốc gia Khiêu vũ thể thao 2007. Năm 2009, Trang đạt giải Vàng Vô địch trẻ châu Á tại Thái Lan.
Từ đó Trang được các thầy cô trong câu lạc bộ Họa Mi tin tưởng giao cho việc đứng lớp dạy môn dancesport với thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Ngoài ra Trang còn có các khoản thu khác từ việc làm MC, đi biểu diễn, đóng phim...
Teen Việt thu nhập 'khủng' từ việc làm thêm
Ước mơ của cô nàng là trở thành nhà báo
"Hàng ngày Trang học và làm kín mít từ sáng tới tối đêm: 7h sáng đi học thêm, về ăn trưa rồi chiều đi học chính ở trường, học xong Trang đi dạy luôn tới 9h tối mới về, phải 10h mới bắt đầu học và làm bài tập được. Trang đang cố gắng cân bằng giữa học tập và công việc." -Trang chia sẻ.
Mặc dù đã theo dancesport được khá lâu, và cũng là đam mê của Trang, nhưng sau này Trang muốn theo đuổi sự nghiệp báo chí, cụ thể là ngành truyền hình. Ước mơ của Trang là sau này có thể làm song song báo hình và những công việc liên quan đến dancesport.
Chàng sinh viên năm 3 - Lại Thế Long
Là SV năm thứ 3 trường ĐH Thương Mại, Lại Thế Long (SN 1990, quê Nghệ An) đã là Chủ tịch CLB việc làm sinh viên HN kiêm Phó giám đốc một công ty về giáo dục với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Long sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An nghèo khó, trong một gia đình có 5 anh em, cha là thương binh 3/4, mẹ làm nghề nông. Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Từ nhỏ, Long đã phải đi móc lạc, bắt ốc trên các cánh đồng để phụ giúp gia đình.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Long luôn nỗ lực học tập. Năm 2008, cậu thi đỗ ĐH Thương mại. Ước mơ “đổi đời” của cậu học trò nhà quê bắt đầu được thực hiện từ đây.
Teen Việt thu nhập 'khủng' từ việc làm thêm
Lại Thế Long đang là Chủ tịch CLB việc làm sinh viên HN kiêm Phó giám đốc một công ty về giáo dục với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Ngay từ khi mới học năm thứ nhất, Long đã tất bật với công việc làm thêm từ phát tờ rơi, in ấn đến bê tráp,... Sau khoảng thời gian trải nghiệm, Long quyết định thành lập ra CLB việc làm sinh viên để giúp đỡ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Long chia sẻ: “Những ngày đầu khó khăn với tớ như chất thành núi vì không có vốn, chưa có kinh nghiệm, chưa biết tổ chức…lại sợ chẳng có ai theo một sinh viên năm thứ nhất như mình”.
Trải qua những ngày tháng vất vả, cuối cùng CLB việc làm sinh viên cũng được nhiều bạn biết đến. Với mục tiêu học tập, trải nghiệm những kiến thức nghề nghiệp bằng chính công việc thực tế, CLB đã thu hút được hàng trăm bạn sinh viên tham gia.
Hàng ngày, ngoài những giờ lên lớp thì Long phải đến CLB để giám sát, định hướng cho nhân viên làm việc. Long còn là người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn các bạn sinh viên cách lập nghiệp.
Trong tương lai, chàng sinh viên 9X này mong muốn tự mình thành lập gia một công ty chuyên về đào tạo, phát triển, giới thiệu việc làm cho các bạn sinh viên. “Hãy nắm lấy cơ hội và tự tạo cho mình một con đường phát triển các bạn nhé!”, đó là lời nhắn nhủ mà “thầy giáo” trẻ này muốn gửi đến tất cả các bạn sinh viên.
Nữ DJ tài năng - Yến Luna
Sinh năm 1993, Nguyễn Kim Yến (nghệ danh là Yến Luna) đang là nữ DJ nhỏ tuổi nhất trong làng DJ Việt Nam. Thu nhập của cô nàng được bật mí là không dưới 10 triệu đồng trên tháng.
Teen Việt thu nhập 'khủng' từ việc làm thêm
Yến tham gia một khoá học DJ của Huấn “trọc” (một DJ khá có tiếng ở Sài Gòn), với mức học phí 7 triệu đồng/khoá. Sau đó cô nàng bắt đầu xin đi làm ở quán café, bar. Yến nhận hợp đồng đầu tiên từ một quán cà phê trên đường Lê Quang Định (TP.HCM). Yến chỉ làm khoảng 2 tiếng buổi sáng, với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Sau đó, Yến được một chủ quán bar ở quận Gò Vấp mời về với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
"Trong 1 - 2 tháng đầu tìm việc, tớ rất chán nản. DJ không phải nghề dễ xin việc làm. Tớ phải tới từng quán café/bar để xin đánh thử, để lại số điện thoại và chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, tớ xin làm lễ tân ở nhiều nơi để tìm hiểu phong cách chơi nhạc của từng quán" - Yến nói.
Đầu tháng 5 vừa qua, Yến tham cuộc thi “DJ tài năng” toàn quốc và đoạt giải cao nhất. Từ đó Yến bắt đầu được các anh chị trong giới DJ và các chủ quán bar "để mắt". Show diễn của Yến ngày càng dày đặc, có event tận Nha Trang, Phan Thiết, Hải Phòng… Mức thu nhập hiện giờ của cô bạn không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Teen Việt thu nhập 'khủng' từ việc làm thêm
Để được trả thù lao hậu hĩnh như vậy cô nàng phải lao động khá vất vả
Để được trả thù lao hậu hĩnh như vậy cô nàng phải lao động khá vất vả. Ngày nào cũng thế, tầm 2-3h sáng, Yến mới về nhà. Môi trường quán bar khá phức tạp nên cô nàng cũng phải hết sức tỉnh táo và bản lĩnh để từ chối những cám dỗ. Yến nói: "Mấy lần khách mời rượu, tớ cười và từ chối khéo.
Cũng có vị khách đứng hẳn lên bục DJ trêu ghẹo tớ. Những lúc như vậy, tớ phải nhẹ nhàng từ chối để khách không mất lòng. Còn nếu khách quá "ngoan cố", đành phải tới nói nhỏ với bảo vệ thôi".


Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư bách khoaGia sư toángia sư tiếng anh Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

Nghề PG: Ngoại hình đẹp thôi chưa đủ

Làm một ngày, ê ẩm một tuần
Được người quen giới thiệu làm PG tiếp thị sản phẩm trong siêu thị, Ngọc Mỹ (lớp 11 trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TP.HCM) hí hửng đăng kí để tìm thêm thu nhập trong hè.
Công việc của bạn là đứng tại quầy gia vị cho một thương hiệu nổi tiếng và giới thiệu một loại hạt nêm mới tung ra thị trường cho những khách hàng trong siêu thị.
Mỗi ngày đứng liên tục 4-5 tiếng và nếu có khách hàng thắc mắc gì, Mỹ vẫn phải trả lời từng câu hỏi.
“Sức khỏe của mình vốn không được tốt, lại quen được ba mẹ chăm sóc từ nhỏ nên ngay ngày đầu tiên đứng tại quầy, mình đã choáng váng muốn ngất. Vừa tê chân, vừa đau lưng mà lại bị quản lí nhắc nhở vì tội đứng mà dựa cột, đứng không thẳng lưng” - Mỹ kể lại.
Ảnh minh họa.
Đã có lúc bạn muốn nghỉ giữa chừng nhưng tiếc nửa tháng cố gắng của mình nên  quMỹyết tâm làm hết chương trình. Mức lương 1,5 triệu đồng không phải nhiều nhưng đủ để Mỹ tự hào dù công việc đầu tiên tưởng dễ mà không phải thế.

Cũng như Mỹ, Dạ Trúc (lớp 12 trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM) nhận chương trình giới thiệu thuốc tại một tiệm thuốc đối diện bệnh viện Chợ Rẫy, quận 5. Nhưng chỉ đứng được một buổi, Trúc đành phải trả lại áo đồng phục cho công ty vì ngã bệnh do say nắng. Không ít bạn hình dung công việc đứng một chỗ là nhàn hạ và dễ kiếm tiền, nhưng thực chất để đứng lâu được, bạn cũng cần có sức khỏe kĩ năng.

Những niềm vui từ công việc PG

Ngoài những khó khăn bước đầu trong công việc PG, lễ tân, bạn cũng cóthể tìm được rất nhiều niềm vui mà công việc này mang đến. Như bạn Bích Phương (sinh viên năm nhất trường CĐ Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) được làm lễ tân cho đêm chung kết Vietnam Next Top Model 2012, Phương xem đó là một kỉ niệm khó quên.

“Làm lễ tân cho một chương trình lớn, mình học được rất nhiều từ phong cách làm việc chuyên nghiệp, cách giao tiếp, cách nở nụ cười với người tham dự. Vui nhất là mình và các bạn được gặp cô siêu mẫu Tyra Banks đến làm giám khảo trong đêm chung kết này ” - Phương chia sẻ.

Còn niềm vui của Yến Linh (sinh viên năm nhất trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM) là: “Mình được mặc những bộ trang phục rất đẹp, được tự hào là hình ảnh đại diện của thương hiệu nào đó”.

Theo chia sẻ của các PG, nếu bạn là người e dè, nhút nhát và… lười vận động chỉ cần bạn siêng “chạy show” các chương trình tuyển PG thì bạn sẽ thấy mình tự tin, sức khỏe bền bỉ hơn nhiều. Hãy bắt đầu một mùa hè vừa đẹp, vừa khỏe theo cách của một PG xem sao!

Nhà tuyển dụng nhân viên lễ tân chia sẻ

Lễ tân được xem là bộ mặt của doanh nghiệp, của sự kiện chính vì vậy ngoài yêu cầu về ngoại hình khi đi phỏng vấn, bạn chú ý hơn những điểm sau:

- Đầu tiên bạn phải đến đúng giờ hoặc sớm hơn 5-10 phút khi tham gia phỏng vấn. Điều này vô cùng quan trọng với ứng viên, chỉ cần bạn đi đúng giờ thì có thể xem như bạn đã ghi được 30-40% sự hài lòng với nhà tuyển dụng.

- Nụ cười: Với lễ tân, yêu cầu đầu tiên và cần thiết đó chính là nụ cười. Nụ cười nồng ấm dễ dàng tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người đối diện.

Không chỉ vậy, đây cùng là một trong những tiêu chí đánh giá thái độ làm việc của người lễ tân trong mắt khách hàng. Chính vì vậy, bạn cần thể hiện điều này tốt nhất trước nhà tuyển dụng.


Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư bách khoaGia sư toángia sư tiếng anh Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

Chàng trai chạy xe ôm: nuôi ước mơ kinh doanh bất động sản

Nhiều sinh viên đã chọn việc làm thêm ca đêm để giảm bớt gánh nặng tài chính trong cuộc sống. Dù vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng những ca làm đêm của họ vẫn lấp lánh những sắc màu của đời sống sinh viên.
Chạy xe ôm, nuôi ước mơ
Phạm Tuấn Anh (K45, Thương mại Quốc tế, trường ĐH Thương mại) quyết định chọn công việc chạy xe ôm sau giờ học. Đối với cậu sinh viên nhỏ bé ấy, xe ôm còn là nghề tay trái để nuôi dưỡng ước mơ làm một nhà kinh doanh bất động sản. Mỗi tháng, trừ tiền xăng xe, cậu cũng kiếm được khoảng 3,5 triệu đồng, dùng để trang trải chi phí đi lại, tiền điện thoại cho việc làm thêm ban ngày: Môi giới bất động sản.

Hơn 4 tháng trước, sau nhiều ngày kiếm việc làm thêm nhưng đều thất bại, Tuấn Anh đã đánh liều mang xe máy từ quê xuống để đi làm xe ôm ban đêm. Một ngày làm việc của cậu không giống như những xe ôm chuyên nghiệp khác, bởi nó được bắt đầu từ 19h30 và kết thúc vào khoảng 0h, khi thành phố đã hoàn toàn yên ắng.

Ban đầu, khi mới chạy xe, Tuấn Anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm địa bàn. Đã thử "đứng" hơn 30 điểm quanh Hà Nội nhưng cậu đều bị các "ma cũ" đuổi đi, vì "tội" nói thật là sinh viên. Một lần, khi đi tới khu cổng làng Đình Thôn, "bến" hiện tại của cậu, Tuấn Anh tìm lý do khẩn thiết hơn: Có vợ sắp đẻ nên tranh thủ ra đây chạy vài cuốc kiếm tiền mua sữa cho con. Cùng cảnh kiếm tiền nuôi con, nuôi vợ, cánh xe ôm khu vực này không nỡ đuổi Tuấn Anh đi.

Thời gian đi làm, Tuấn Anh đã học được rất nhiều điều từ cuộc sống lúc về đêm. Tuấn Anh còn gặp cả những trường hợp sinh viên như mình những lúc hết tiền, không có nổi 3.000 đồng để đi xe buýt. Vì thế mà cậu đã chở miễn phí cho rất nhiều bạn sinh viên gặp hoàn cảnh éo le.

Kỷ niệm khiến Tuấn Anh nhớ nhất, đó là một hôm, chỉ kiếm được 20.000 đồng mà đổ xăng mất 70.000 đồng, cậu đã chở xe miễn phí cho một bạn bị móc ví ở bến xe Hà Đông, rồi lại thương tình, chở một bạn từ bến xe Mỹ Đình về Nhổn.

Thấy vẫn còn sớm, cậu tiếp tục quay lại Đình Thôn đón khách, trên đường đi gặp một cậu tân sinh viên vừa lỡ chuyến xe buýt  vẫn còn lang thang trên đường Phạm Hùng và Tuấn Anh lại mủi lòng đưa người đó về nhà trọ.

Làm ca đêm với giá 20.000 đồng/giờ
Trần Thị Vân (K54, Thông tin thư viện, trường ĐH KHXH& NV, ĐHQG Hà Nội) lại chọn việc làm thêm ít nguy hiểm hơn: In ấn, photo, đánh máy và sửa bài, bắt đầu từ 22h tới 4h sáng hôm sau.
"Mình chọn việc này bởi nó rất gần với ngành học của mình về thông tin, có cơ hội tìm hiểu thêm về các kiến thức Văn học, Ngoại ngữ, Lịch sử do khách hàng gửi tới in. Cửa hàng có hơn 10 nhân viên nhưng chỉ có mỗi mình là sinh viên. Thời gian có hơi đặc biệt và không phù hợp lắm với con gái như mình nhưng mình học được sự kiên nhẫn trong từng việc làm nhỏ và làm đêm cũng có niềm vui riêng của nó. Khi căng thẳng thì khách hàng chính là động lực thúc đẩy mình vì cửa hàng ở gần các trường đại học lớn nên mình cũng có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều từ các bạn sinh viên như mình", Vân tâm sự.
Vân cho biết, ngoài mức lương 20.000 đồng/h, bạn còn được cửa hàng thưởng thêm và có chế độ ăn đêm cũng như bố trí chỗ nghỉ ngơi, thuận tiện hơn trong sinh hoạt và ăn ở. Mỗi khi lớp có tài liệu học tập cần photo, Vân cũng nhận về làm với giá rất "sinh viên", giúp cả lớp.
Trong suốt thời gian làm việc tại cửa hàng photo, Vân nhớ như in kỷ niệm về một khách hàng trên 70 tuổi, mệt mỏi đến quán, khi Vân vừa tới làm.
Cụ bà nhờ đánh máy lại tập thơ gần 50 bài do cụ tự sáng tác: "Quán mình rất ít khi nhận đánh máy nên không ai chịu làm giúp cụ. Nhưng khi mình hỏi chuyện, mới biết cụ có hoàn cảnh thật éo le. Cụ vốn là thanh niên xung phong, không biết chữ. Nhưng sau đó, cụ tự học và làm được thơ.
Cụ đi từ Sơn Tây lên Hà Nội nộp bản thảo nhưng không chỗ nào nhận đánh máy giúp cụ, do yêu cầu quá rắc rối. Mình còn cảm thương hơn vì cụ đang sống cô đơn, người chồng phụ bạc bỏ đi từ lúc cụ còn trẻ. Vì vậy, dù yêu cầu khó nhưng mình vẫn cố gắng giúp cụ" .
Vì thời gian làm việc hơi đặc biệt nên Vân luôn cố gắng để cân đối giữa việc học trên lớp và việc đi làm để có thể tự kiếm tiền trang trải cuộc sống đỡ đần cho bố mẹ ở nhà nuôi một em gái đang học cấp 3.



Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư ngoại thươngGia sư toángia sư tiếng pháp Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383

Tâm sự của teen girl từng là tiểu thư nhà giàu

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có, bố tôi làm phó giám đốc ngân hàng, còn mẹ là trưởng chi nhánh một ngân hàng khác.
Từ khi sinh ra, tôi đã được bố mẹ hết mực cưng chiều vì là con một trong gia đình. Chẳng phải lo toan bất cứ điều gì, ăn, chơi, thích gì là bố mẹ tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả.
Chính vì được nuông chiều như thế nên tôi khá tiểu thư và điệu đà. Thậm chí là khinh những người anh em họ hàng, những người hàng xóm kế bên gia đình tôi vì họ nghèo, họ khổ. Lúc đó tôi thấy họ thật thấp kém, tầm thường và bẩn thỉu.
Cũng chính vì vậy mà tôi thường chỉ chơi trong nhà, không thì chạy qua chạy lại nhà hàng xóm kế bên vì gia đình bác ấy chơi rất thân với gia đình tôi. Bác ấy lại làm cùng ngân hàng với bố tôi nên hai gia đình hay qua lại với nhau, có gì ăn ngon, có ngày gì đặc biệt lại cùng nhau tụ tập ăn uống. Còn thân hơn cả anh em họ hàng ruột thịt ấy.
Tôi vẫn còn nhớ khi đó, tôi học tiểu học ở trường cách nhà khoảng 2 km. Sáng thì bố mẹ chở tôi đi bằng ô tô của nhà. Tới trưa thì cô giáo chủ nhiệm đưa tôi về bởi nhà cô ở ngay trong ngõ gần nhà tôi. Với lại bố mẹ tôi cũng chịu khó lui tới nhà cô tặng quà, biếu xén tiền nong nên cô cũng chăm sóc cho tôi kỹ càng và đặc biệt nhất lớp.
Ở nhà có bố mẹ che chắn, nâng đỡ là thế, lúc tới trường lại có cô giáo chủ nhiệm nên cứ bạn nào trêu tôi là tôi mách cô để cô phạt. Tôi hả hê lắm. Nhưng cũng chính vì thế mà bạn bè ít khi chơi với tôi và xa lánh, ghét bỏ tôi.
Cho tới năm tôi học lớp 8 thì một chuyện động trời ập đến với gia đình tôi. Nó đến rất nhanh, y như một cơn bão cấp mạnh đến bất ngờ mà không có dự báo trước.
Mẹ tôi đi tù, toàn bộ tài sản của gia đình bị niêm phong và bố tôi cũng… mất việc làm.
Biến cố gia đình đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi (Ảnh minh họa)
Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy, vừa đi học về tôi đã thấy trước cửa nhà vây kín người, khi tôi bước vào thì thấy rất nhiều công an đang dán niêm phong đồ đạc. Mẹ tôi không có ở nhà, người ta nói mẹ tôi đã bỏ trốn còn bố tôi thì thỉnh thoảng lại hét lên và chửi bới, đập phá đồ đạc, nhiều người phải lao vào can ngăn lại.
Với một đứa con gái được nuông chiều như tôi thì tất cả thật khó hiểu, tôi chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra với bố mẹ tôi, với gia đình tôi hết. Tôi chỉ biết khóc và nấc lên từng tiếng mà thôi.
2 tháng sau mẹ tôi bị bắt và đưa ra phiên tòa xét xử, mẹ lĩnh án 7 năm tù vì chiếm đoạt tài sản nhà nước. Bố tôi do bị liên đới chuyện của mẹ nên cũng bị buộc thôi việc.
Vậy là từ cái ngày định mệnh đó đã làm thay đổi 360 độ gia đình và tôi cũng không được một ngày nào sống sung sướng nữa, đã phải lo toan cho cuộc sống một cách thực sự.
Tôi và bố thuê một căn nhà cấp 4 nhỏ ở tít trong hẻm. Căn nhà lụp xụp và dột nát ấy chỉ dính mưa một chút là nước ngập đầy nhà, ngay cả phía mái trên chỗ đặt giường nằm cũng dột, đêm nằm phải đặt cái chậu vào đó để hứng nước cho khỏi ướt chăn gối.
Cuộc sống vốn đã khổ cực như thế rồi mà tiền cũng chẳng có để tiêu. Bố con tôi được họ hàng người thân góp mỗi người một ít đủ sống tạm bợ qua ngày trong khi bố tôi đang chờ xin việc làm.
Hai bố con bữa cơm, bữa cháo, ăn từng miếng cũng phải nhìn nhau. Có bữa hết gạo, tiền không có để mua, nhà có giàn đỗ ván quả đã già gần hết. Bố tôi ngắt mang vào luộc lên hai bố con ăn tạm nhưng đang ăn thì bố tôi khóc, bố tôi nói rằng: “Lúc sướng biết bạn là ai, lúc khổ biết ai là bạn”.
Tôi cũng khóc, dường như tôi cũng dần hiểu ra về những lời nói của bố.
Tôi không còn là một tiểu thư khuê các, điệu đà, sang trọng và khinh người mà thậm chí là các bạn còn khinh lại tôi vì tôi giờ nghèo khó, tủi nhục. Có vậy tôi mới biết, mới hiểu rằng trước đây mình đã sống như thế nào và giờ đây tôi cần phải thay đổi.
Tới cuối lớp 9, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp và cũng chuẩn bị thi vào cấp 3. Tôi không có tiền để đi học thêm nhà thầy cô như các bạn, ngay cả học thêm ở trường tôi cũng bỏ vì không có tiền đóng học. Bố tôi phải chở tôi đến nhà bác họ vì bác ấy có người con hơn tôi 2 tuổi học rất giỏi để nhờ chị ấy kèm cho tôi.
Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 1h chiều là bố lại chở tôi trên chiếc xe đạp mipha cũ kỹ mà trước đây nhà tôi vứt trong kho đã lâu. Cứ đi qua chỗ nào gặp bạn bè tôi lại cúi gằm mặt xuống vì ngượng ngịu. Nhưng nhìn thấy bố tôi vẫn còng lưng đạp xe chở tôi trong cái thời tiết nắng nóng của mùa hè, tôi lại tự thấy xấu hổ với bản thân và thương bố vô cùng.
Tôi tự nhủ sẽ cố gắng để không làm phụ lòng bố, để đền đáp lại những gì bố đã khổ cực để dành cho tôi. Tôi chăm chỉ học và đã thi đỗ tốt nghiệp loại giỏi, đã thế tôi còn thi đỗ vào trường chuyên cấp 3 của tỉnh.
Hôm có kết quả thi, bố tôi vui lắm. Bố nói sẽ thưởng cho tôi. Phần thưởng đó là 1 bữa kem và một vòng dạo chơi công viên. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà bố dành cho tôi có lẽ là mẹ.
Bố dẫn tôi đi thăm mẹ để báo kết quả cho mẹ biết. Tôi đã ôm mẹ, đã khóc, khóc rất nhiều. Đã hơn 1 năm kể từ ngày mẹ tôi bị bắt, tôi không được gặp mẹ tôi. Lúc đầu là bố tôi không cho tôi vào thăm mẹ, nhưng thời gian sau là do mẹ tôi bị chuyển sang trại giam khác xa hơn nên chỉ thỉnh thoảng bố đi thăm thôi.
Những ngày tháng ấy là cách đây 4 năm. Bây giờ tôi đã là sinh viên năm của một trường đại học ở tỉnh. Gia đình tôi cũng dần dần khá hơn lên, tuy không phải là khá giả so với những gia đình khác, nhưng là khá hơn so với lúc nghèo đói, khó khăn trước kia. Mùng 2/9 này mẹ tôi cũng sẽ được mãn hạn trở về sớm so với hạn vì cải tạo tốt và gia đình tôi lại được đoàn tụ bên nhau.
Đây là câu chuyện thật về gia đình tôi, về cuộc sống của tôi. Dù các bạn có nói về quá khứ của tôi và gia đình tôi như thế nào đi chăng nữa thì giờ đây tôi vẫn thấy rất vui vì gia đình tôi sắp được đoàn viên, tôi vẫn tự hào vì người cha thân yêu của mình. Và tôi cũng phải cảm ơn cuộc sống này đã tạo nên nhiều điều để dạy cho tôi trưởng thành hơn, biết trân trọng hơn những gì mình đang có, biết học cách hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Và tôi... cũng sẽ cố gắng để có thể làm được những điều tốt nhất cho bố mẹ tôi, cố gắng để sau này có thể bù đắp lại tất cả cho bố mẹ tôi. Có đôi lúc tôi cũng nghĩ đến cuộc sống tiểu thư, vương giả ngày xưa. Nhưng một thoáng chốc thôi, tất cả lại trôi đi rất nhanh. Trước mắt tôi còn rất nhiều thứ phải làm, và cuộc đời sẽ không toàn một màu hồng như thế để cho phép tôi sống kiêu ngạo, coi thường bất cứ ai…


Công ty gia sư Easy-learn gồm những đội ngũ gia sư chất lượng cao bao gồm Gia sư sư phạmGia sư lýgia sư tiếng trung Cam kết mang lại kết quả học tập hoàn hảo cho con em bạn Liên Hệ Mr Tú 0946.486.568 Mr Quỳnh 0902 898 383